Đà Nẵng: Tạo môi trường lao động an toàn cho người lao động

Ngày 22-11, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức lễ Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đà Nẵng: Tạo môi trường lao động an toàn cho người lao động

Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn bỏ ngỏ

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng nêu rõ, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa ít quan tâm đến hoạt động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Những doanh nghiệp này sử dụng máy móc thiết bị cũ, lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động, nguy cơ mất an toàn lao động làm cho điều kiện lao động ít được cải thiện. Công tác đào tạo, tập huấn, nhất là đào tạo tập huấn, huấn luyện cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ, người lao động vẫn còn mang tính hình thức. Đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động còn hạn chế về ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động…

Trong 10 năm (2013 – 2022), Đà Nẵng xảy ra 663 vụ tai nạn lao động, làm 678 người bị nạn; trong đó, có 103 vụ làm 109 người chết. Các vụ tai nạn lao động chủ yếu xảy ra tại các công trình xây dựng tòa nhà cao tầng, khu dân cư, doanh nghiệp sản xuất.

Cũng trong 10 năm qua, tỷ lệ các cơ sở lao động thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động ngày càng tăng. Có hơn 299.000 lượt người lao động được khám sức khỏe định kỳ; 27.900 lượt người lao động được khám bệnh nghề nghiệp.

Hội nghị có sự tham gia các sở, ban ngành địa phương Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hội nghị có sự tham gia các sở, ban ngành địa phương Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nam nhận định, nguyên nhân chính của những tồn tại này là do một bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động, chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của doanh nghiệp và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ là yếu tố quan trọng để duy trì thành quả phát triển và hội nhập.

Lan tỏa văn hóa an toàn nơi làm việc

Bà Trần Trường Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết, cần chú trọng lan tỏa văn hóa an toàn tại nơi làm việc trong các hoạt động và từng phong trào cụ thể như thi đua 5S trong sản xuất để môi trường lao động xanh - sạch. Người lao động từ chối làm việc với các thiết bị không an toàn, khi không có các quy định về an toàn vệ sinh lao động và không thao tác khi chưa được đào tạo về cách vận hành thiết bị an toàn.

Để giảm thiểu tai nạn lao động, theo ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thời gian tới, quận chỉ đạo phòng ban chuyên môn như Phòng Quy tắc đô thị, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an phường và UBND các phường thường xuyên kiểm tra các công trình xây dựng tại khu dân cư; kịp thời chấn chỉnh yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, thợ thi công xây dựng nghiêm túc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn lao động. Địa phương tổ chức các khóa tập huấn, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho đối tượng người lao động không giao kết hợp đồng lao động ở các lĩnh vực xây dựng, các làng nghề.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Kết luận hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị, thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân nói chung, doanh nghiệp và người lao động nói riêng về tầm quan trọng của an toàn lao động, vệ sinh lao động. Kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân, các mô hình tiêu biểu trong công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng như thực hiện tốt việc chăm lo đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động tại đơn vị, doanh nghiệp. Duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm, xem đây là đợt cao điểm về tổ chức các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động trên toàn địa bàn.

Tin cùng chuyên mục