Đà Nẵng nỗ lực hình thành thói quen quét mã QR

Để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong tình hình mới và phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng khi có yếu tố dịch tễ, TP Đà Nẵng đã triển khai quét mã QR cho các hàng quán, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để người dân hình thành thói quen QR không phải là chuyện dễ dàng.

Thông thường, các cơ sở sẽ có một nhân viên đứng tại nơ ra vào để thực hiện quét mã QR
Thông thường, các cơ sở sẽ có một nhân viên đứng tại nơ ra vào để thực hiện quét mã QR

Mỗi cơ sở một mã QR

Các cơ sở kinh doanh ăn uống tại TP Đà Nẵng đã được phép phục vụ khách tại chỗ. Địa phương đang dần hồi sinh sau thời gian dài căng mình chống dịch nhưng mọi hoạt động, mọi cơ sở đều phải có mã QR.

Theo bà Hồ Thị Thu, chủ quán bún chả cá trên đường Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), trải qua nhiều đợt dịch liên tiếp, bà nhận thấy những biện pháp phòng dịch hết sức quan trọng. Khi quán hoạt động lại, bà sắm hẳn 2 iPad để nhân viên quét mã QR cho khách. Hiện khách vẫn chưa nhiều, lúc cao điểm cũng chỉ khoảng 5-7 bàn.

Quét mã QR khi phục vụ khách tại chỗ

“Nhìn “phiền hà” như vậy, nhưng một khi có ca mắc thì những biện pháp phòng dịch lại là phương thức cứu nguy tối ưu cho quán khỏi bị giăng dây cũng như bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người. Tất nhiên, mình phòng dịch kỹ thì khách đến quán ăn cũng yên tâm hơn”, bà Thu cho hay.

Lợi ích là vậy nhưng trên thực tế, một số cửa hàng và người dân vẫn còn lơ là, chủ quan, không thường xuyên thực hiện quét mã QR.

Anh Bùi Công Hùng (trú phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết, dù nghe thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… nhưng khi vào quán ăn, nhân viên hay chủ quán cũng không nhắc nhở việc khai báo hay quét mã để quản lý khách hàng. Thậm chí, khi khách hàng thắc mắc về mã QR, nhiều chủ cơ sở, nhân viên đều bảo không cần.

Trong khi đó, một số khách hàng sử dụng các phần mềm khai báo y tế khác nên việc quét mã không thể thực hiện. Chưa kể, nhiều người lớn tuổi không rành sử dụng điện thoại thông minh nên không biết quét mã. Một số khách hàng tỏ ra khó chịu, bỏ đi, không thực hiện việc quét mã dù được chủ quán hay nhân viên yêu cầu.

Kiểm tra, hướng dẫn lại và xử lý vi phạm

Tại phường Phước Ninh (quận Hải Châu), UBND phường đã thành lập 2 tổ hướng dẫn, hỗ trợ chủ các hàng quán, cơ sở kinh doanh, cài đặt phần mềm e-ticket quét mã QR, xây dựng phương án thích ứng an toàn, kết hợp với việc tuyên truyền, tuần tra, giám sát thực hiện việc quét mã QR cho khách hàng. Đặc biệt, phường thành lập nhóm zalo, kết nối chủ các cửa hàng trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ các vấn đề phòng, chống dịch khi cần thiết.

Nhiều cơ sở tiến hành dán mã QR tại mỗi bàn ăn 

Ông Nguyễn Văn Thạnh, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Ninh cho biết, đối với những chủ cơ sở là người lớn tuổi, không có điện thoại thông minh để quét mã QR, các lực lượng yêu cầu viết cam kết phòng, chống dịch; trang bị tờ khai y tế bằng giấy để khách hàng khai báo khi đến quán.

Theo UBND quận Hải Châu, tính đến ngày 25-10, địa bàn quận có 3.454/4.244 cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hoạt động trở lại. Ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn, địa phương còn thành lập 3 tổ phối hợp với các phường kiểm tra, xử lý việc thực hiện quét mã QR khai báo y tế tại các cơ sở, tránh tình trạng người dân chủ quan, lơ là, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch của địa phương nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung.

Để nhanh chóng “phủ sóng” mã QR, UBND quận Thanh Khê đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ công TP Đà Nẵng tổ chức phát động và tập huấn hướng dẫn cho gần 100 đoàn viên, thanh niên thực hiện hỗ trợ quét mã QR cho các cơ sở kinh doanh, hàng quán ăn uống.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở việc quét mã QR đối với các hàng quán 

Thực hiện cài đặt, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho các hộ kinh doanh, anh Võ Duy Rin, Bí thư Quận đoàn Thanh Khê cho biết, cơ bản người dân rất ủng hộ, tuy nhiên đối với những hộ buôn bán nhỏ thì việc quét mã QR đôi khi gặp khó do có người không rành về công nghệ.

“Cũng như việc đội mũ bảo hiểm, mang khẩu trang, tôi nghĩ lúc đầu có người hơi khó chịu nhưng vừa kiểm tra, hướng dẫn kết hợp xử phạt dần dần sẽ hình thành thói quen khi đến nơi đông người”, anh Rin chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục