Ở nhiều đơn vị quân đội, làm tốt công tác vận động quần chúng không đơn thuần là thực hiện “tròn” nhiệm vụ dân vận cấp trên giao phó mà còn giúp gắn kết người dân và cán bộ chiến sĩ phối hợp chặt chẽ với nhau phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và củng cố quốc phòng toàn dân.
Giúp dân an cư lạc nghiệp
Ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM) khi có sự vụ trên biển, việc đầu tiên ngư dân làm là báo về Đồn biên phòng Long Hòa. Ông Nguyễn Văn Tấn, tổ phó tổ tàu thuyền tự quản ấp Đồng Tranh (xã Long Hòa), bộc bạch: “Khi đi biển, thấy gì khả nghi hay thấy ghe có sự cố là chúng tôi báo ngay cho bộ đội biên phòng. Tôi nhớ hoài những ngày lênh đênh trên biển mấy chục năm về trước. Hồi đó khó khăn lắm, không có phương tiện liên lạc hiện đại như bây giờ nên có chuyện gì cũng chỉ trông vào bộ đội biên phòng. Nhờ các anh nói nghe hợp lý nên bà con nghiêm túc chấp hành pháp luật, tham gia tổ tự quản khi đi biển. Đây là cách tốt nhất tự giúp mình và hỗ trợ các anh”. Từ lâu, Đồn biên phòng Long Hòa như ngôi nhà thứ 2 của ông và nhiều bà con đi biển. Lúc rảnh rỗi, ông Tấn thường qua đồn trao đổi tình hình trên biển với cán bộ, chiến sĩ.
Thượng tá Lê Doãn Tấn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Long Hòa, cho hay bộ đội biên phòng và quần chúng ở đây gắn bó với nhau từ những ngày đầu lập xã. Do đó, người dân, chính quyền và đơn vị phối hợp ăn ý, nhịp nhàng khi thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động. Đầu năm 2017, đơn vị cùng địa phương thành lập các tổ tự quản tàu, thuyền an toàn; tổ tự quản an ninh trật tự, bến đò tự quản an toàn khu vực biên giới biển xã Long Hòa. Tất cả người dân đều nhiệt tình hưởng ứng, tham gia hết mình.

Gắn bó chặt chẽ với dân địa phương của Lữ đoàn công binh 25 góp phần thiết thực củng cố mối quan hệ quân dân
Ở Đồn biên phòng Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), thời gian qua, đơn vị thường xuyên cùng chính quyền tích cực chăm lo cho người dân. Hơn 200 lượt cán bộ, chiến sĩ dùng 57 ngày công lao động cùng bà con, 17 ngày dọn vệ sinh môi trường ở 5 khu phố thuộc thị trấn Cần Thạnh; vận động 9 học sinh bỏ học trở lại trường… Đặc biệt, nhiều mô hình dân vận khéo của đơn vị trở thành điển hình học tập. Điển hình là hình thức vận động mạnh thường quân, cán bộ, chiến sĩ tự trích quỹ lương ủng hộ quỹ “Nâng bước các em đến trường”. Qua đó, 3 học sinh tiếp tục có điều kiện đến lớp (mức hỗ trợ mỗi em 6 triệu đồng/năm…
Lữ đoàn công binh 25 (thuộc Quân khu 7) cũng có nhiều mô hình dân vận bám sát đặc thù địa bàn. Những năm qua, đơn vị hỗ trợ địa phương sửa sang, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Trong năm 2016, hơn 20km đường mòn, đường dân sinh xuống cấp, hư hỏng được mở rộng. Hiện đơn vị tiếp tục khảo sát, giúp người dân sửa chữa, nâng cấp nhiều tuyến đường ở tỉnh Đồng Nai. Mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề, lãnh đạo đơn vị viết thư chúc tết và thông báo cho gia đình chiến sĩ nắm rõ chủ trương đón tết của đơn vị, từ đó động viên con em yên tâm trực tết, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Chia sẻ tâm tư với chiến sĩ, đơn vị hỗ trợ quà tết cho 30 gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Tổng kinh phí là hơn 235 triệu đồng.
Kết quả từ công tác hoạt động quần chúng ở các đơn vị góp phần không nhỏ giúp người dân ổn định cuộc sống, an tâm phối hợp cùng chính quyền, bộ đội giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biên cương.
Tôn trọng, gắn kết
Theo thượng tá Nguyễn Thành Nghị, Phó Chính ủy Lữ đoàn công binh 25, đơn vị hoạt động trên địa bàn xa, rộng; đóng quân tại nhiều khu vực trọng điểm về kinh tế - xã hội có tình hình dân tộc, tôn giáo đa dạng. Do đó, công tác dân vận được tập thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị đặc biệt quan tâm. Lữ đoàn luôn tận dụng thế mạnh của đơn vị công binh (trang thiết bị, phương tiện xây dựng hiện đại) để giúp nhân dân, cơ quan đoàn thể, chính quyền thực hiện nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn đóng quân. Song song đó, để công tác vận động quần chúng mang lại hiệu quả thực chất, cán bộ, chiến sĩ luôn nắm vững và tôn trọng phong tục, tập quán của người dân tại nơi đơn vị trú đóng và làm nhiệm vụ. Tập thể đơn vị quán triệt tuyệt đối không để xảy ra vi phạm kỷ luật dân vận. Như những đơn vị quân đội khác, Lữ đoàn công binh 25 kết nghĩa với rất nhiều cơ quan, đơn vị tại địa bàn đóng quân. Từ đó, các bên phối kết hợp thực hiện nhiều hoạt động gắn kết tình quân - dân, như sửa chữa trường học, tổ chức học kỳ quân đội, ngày sách, tọa đàm…
Chia sẻ về kinh nghiệm, thiếu tá Nguyễn Huy Mỹ, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cần Thạnh, cho hay người dân huyện Cần Giờ sống tình cảm, đoàn kết. Các đơn vị bộ đội biên phòng trở thành bộ phận không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Qua các hoạt động trong công tác dân vận, Đồn biên phòng Cần Thạnh tạo được mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân trên địa bàn và được chính quyền địa phương tin tưởng, hỗ trợ. Đơn vị vừa lập công khi tạm giữ 5 sà lan cát trái phép từ tin báo của người dân. “Người dân ở đây hiểu cặn kẽ về bộ đội biên phòng. Không có nhân dân tiếp sức, chúng tôi không thể lập nhiều chiến công, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, thiếu tá Nguyễn Huy Mỹ khẳng định.
Kỳ Lâm