Thủ tướng Phan Văn Khải:

Dân và doanh nghiệp có điều kiện làm ăn thì đất nước mới giàu

Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Vào WTO, khó khăn nhất là lĩnh vực dịch vụ
Dân và doanh nghiệp có điều kiện làm ăn thì đất nước mới giàu

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã thông báo nguyện vọng muốn bàn giao cương vị Thủ tướng cho người kế nhiệm. Hôm qua, 16-5, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã tâm sự với báo giới xung quanh vấn đề này, cùng những trăn trở của ông về kinh tế đất nước và công tác phòng chống tham nhũng.

  • Sẽ đề cử 1 người có kinh nghiệm lâu năm trong Chính phủ lên làm Thủ tướng

Dân và doanh nghiệp có điều kiện làm ăn thì đất nước mới giàu ảnh 1

Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Quốc hội ngày 16-5.

- Báo SGGP: Thưa Thủ tướng, nếu sắp tới, Thủ tướng thôi cương vị thì ai sẽ là người kế nhiệm?

- Thủ tướng PHAN VĂN KHẢI: Việc này phải do Trung ương quyết định. Tôi chỉ có 1 phiếu giới thiệu về người kế nhiệm thôi.

- Báo SGGP: Mới đây, Thủ tướng có nói rằng Thủ tướng sẽ giới thiệu với Quốc hội một Phó Thủ tướng đã từng làm việc với Thủ tướng nhiều năm để kế nhiệm cương vị của Thủ tướng hiện nay. Thủ tướng có thể nói rõ người đó là ai?

- Vậy thì biết rồi còn gì nữa (cười). Cũng như tôi làm 6 năm Phó Thủ tướng, làm nhiều việc, được tín nhiệm thì được bổ nhiệm lên làm Thủ tướng.

- Tạp chí Bloomberg: Nhiều thông tin và dư luận cho rằng Thủ tướng đã giới thiệu Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng?

- Tôi chưa nói cụ thể như vậy. Tôi chỉ nói sẽ đề cử một người có kinh nghiệm, được rèn luyện lâu năm trong Chính phủ, để thay tôi.

- Báo Thanh Niên: Trong thời gian tới, Thủ tướng mong muốn công cuộc cải cách sẽ được đẩy mạnh như thế nào để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn, thúc đẩy đất nước đi lên?

- Cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Sắp tới, yêu cầu này càng cần phải hoàn thiện hơn, nhất là khi chúng ta gia nhập WTO. Cái gì chưa phù hợp thì chúng ta phải cải tiến cho phù hợp. Dân và doanh nghiệp có điều kiện làm ăn thì đất nước mới giàu được.

- Báo SGGP: Thưa Thủ tướng, ông có hài lòng về những việc mình làm trong thời gian qua?

- Có điều mừng là qua 2 nhiệm kỳ tôi làm Thủ tướng, tôi đã góp phần đưa đất nước đi lên tất cả mọi mặt. Tuy nhiên, không ai có quyền nói mình hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vì trong cái được còn nhiều tồn tại, còn nhiều cái dở. Bởi vậy, người ta thường nói, khi nào một chiến sĩ ngã xuống trên chiến trường, người đó mới có thể nói hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa vụ đối với Tổ quốc.
Sẽ có 1 Phó Thủ tướng chuyên trách phòng chống tham nhũng

- Báo Tiền Phong: Thưa Thủ tướng, không thể phủ nhận những thành quả trong nhiều năm qua. Nhưng hiện nay nhiều người đang rất bức xúc trước việc chúng ta vẫn chưa làm mạnh và quyết liệt trong cuộc chống tham nhũng, lãng phí?

- Dân bức xúc về tình trạng tham nhũng, thất thoát tài sản là rất chính đáng. Nhưng như Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nói, phòng chống tham nhũng, trước hết phải phòng. Các nước luật lệ của họ đầy đủ, trách nhiệm công chức rất rõ ràng, muốn tham nhũng cũng không được. Còn ở nước ta, phòng vẫn là chủ yếu. Và cứ phát hiện vụ nào thì làm quyết liệt vụ đó thôi. Không bao che, bênh vực ai cả. Nhưng muốn chống tham nhũng thì mọi việc của cán bộ, công chức nhà nước phải được công khai, minh bạch để mọi người dân đều biết...

- Báo Tiền Phong: Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội có nói đến việc thành lập một ban phòng chống tham nhũng ở trung ương. Vậy ban phòng chống tham nhũng này sẽ vận hành như thế nào?

- Theo Luật Phòng chống tham nhũng, Thủ tướng là người chịu trách nhiệm và là Trưởng ban Phòng chống tham nhũng. Nhưng sẽ có một phó thủ tướng chuyên trách về phòng chống tham nhũng và có một ban chỉ đạo gồm đầy đủ các thành viên của Đảng và Nhà nước. Trong đó, có đại diện của các ban Đảng, Quốc hội và TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ... Tôi hy vọng khi có ban này, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ tốt hơn.

- Xin cảm ơn Thủ tướng. 

Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Vào WTO, khó khăn nhất là lĩnh vực dịch vụ

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã vui vẻ nói với báo giới khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến kết quả của việc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) với Hoa Kỳ, sức ép cạnh tranh khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO.

- Phóng viên: Phó Thủ tướng có thể cho biết những khó khăn khi đàm phán với Hoa Kỳ?

- Đàm phán của WTO khác với các đàm phán song phương khác. Đàm phán WTO là một bên “đòi” và một bên “đáp ứng” chứ không có đi có lại như BTA (Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ). Cái họ đàm phán là trong khuôn khổ WTO nhưng trong khuôn khổ vẫn có thể “cò kè” và cơ chế đối với những nước đang phát triển thì khác. Vấn đề ở đây là nghệ thuật “cò kè”.

Đương nhiên mình cũng phải chấp nhận những điều kiện của họ và có những mặt mình giữ được nhưng cũng có mặt mình phải nhân nhượng. Theo nhận định của cá nhân tôi, thỏa thuận đạt được với Hoa Kỳ là khá cân bằng và “có đi có lại”. Điều này hai bên gọi là “giải pháp cùng thắng”.

- Xin Phó Thủ tướng cho biết, những ngành nào sẽ gặp nhiều thách thức nhất khi chúng ta gia nhập WTO?

- Mỗi ngành có cái khó nhưng khó nhất là lĩnh vực dịch vụ vì với chúng ta còn quá mới mẻ. Còn về hàng hóa thì cũng tùy từng mặt hàng. Đối với hàng nông sản thì cà phê ta mạnh; cá, hạt tiêu, … cũng vậy. Còn lĩnh vực động cơ thì họ mạnh hơn ta rất nhiều. Muốn rõ thách thức thì phải phân tích từng mặt hàng chứ nói chung chung sẽ không giải quyết được vấn đề gì cả.

- Thưa Phó Thủ tướng, bước tiếp sau khi đàm phán với Hoa Kỳ là gì?

- Với Mỹ, chúng ta còn những việc như: hoàn tất văn bản (trong tuần này sẽ xong); tiếp theo là ký… Đối với các nước khác thì chúng ta mở vòng đàm phán mới, có thể vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7. Sau đó chúng ta sẽ phải hoàn thiện báo cáo gia nhập, sau đó đưa ra Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO để họp.

- Thưa Phó Thủ tướng, chúng ta sẽ có những chiến lược và kế hoạch gì để chuẩn bị cho doanh nghiệp trong nước?

- Toàn bộ việc đổi mới cơ chế kinh tế của chúng ta vừa qua là để phục vụ cho việc gia nhập này như: trong 3 kỳ họp vừa rồi của Quốc hội chúng ta đã sửa đổi, xây dựng nhiều dự án luật theo những tiêu chuẩn của WTO.

- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng.

VĂN – MINH - HÀ

Tin cùng chuyên mục