Xây dựng Bộ Thương mại “trong sạch, không có tham nhũng”

Xây dựng Bộ Thương mại “trong sạch, không có tham nhũng”

Hôm qua 1-12, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc, Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.

  • Quyết tâm xây dựng một Bộ Thương mại “trong sạch, không có tham nhũng”
Xây dựng Bộ Thương mại “trong sạch, không có tham nhũng” ảnh 1

Đại biểu Hồ Thị Hồng Nhung (Bến Tre) chất vấn các thành viên Chính phủ.

“Là người luôn luôn chống tiêu cực, tôi không hề có bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào liên quan đến phân bổ hạn ngạch dệt may. Tuy nhiên, là bộ trưởng, tôi phải chịu trách nhiệm trước sự việc tiêu cực xảy ra trong cơ quan mình, và xin nhận khuyết điểm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã nói như vậy khi trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều qua. Tuy nhiên, câu trả lời này chưa làm thỏa mãn đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái).

Ông Tuyết hỏi tiếp: “Bộ trưởng nói chịu trách nhiệm, nhưng chịu trách nhiệm như thế nào?”. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển bình tĩnh trả lời: “Tôi nghĩ là tôi có thể trả lời mình phải chịu trách nhiệm như thế nào. Nhưng xin Quốc hội nghe theo gợi ý của Chủ tịch Nguyễn Văn An: trách nhiệm đến mức truy tố ra pháp luật thì tòa án làm, bỏ phiếu tín nhiệm thì do Quốc hội làm… Còn tôi do Bộ Chính trị quản lý, tôi đã có báo cáo kiểm điểm với Bộ Chính trị. Bộ Chính trị quyết định kỷ luật thế nào, tôi xin chấp nhận. Tất nhiên tôi tin Bộ Chính trị sẽ xem xét mức kỷ luật trong bối cảnh những việc tôi đã làm được. Không ai mong muốn mình bị kỷ luật oan cả…!”.

  • Nghiêm khắc với sai phạm, và không thể sống mãi với sai phạm

Trước đó, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã tạo dấu ấn tại Quốc hội khi trình bày phần giải trình của mình mà không đọc văn bản như các bộ trưởng khác. Chính cách nói đầy tâm huyết này của Bộ trưởng Tuyển đã thu hút các đại biểu Quốc hội chăm chú lắng nghe khi ông trình bày về sự khó khăn, phức tạp của quá trình phân bổ hạn ngạch dệt may. “Số doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ năm 2003 là trên 800 đơn vị, đến năm 2004 là trên 1.000 đơn vị.

Xây dựng Bộ Thương mại “trong sạch, không có tham nhũng” ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (TPHCM)
Mỗi doanh nghiệp không phải xuất khẩu một loại, mà có đến 25 loại quần áo khác nhau. Và lại có cả hệ số quy luật chuyển đổi: nghĩa là không xuất được áo, có thể chuyển sang quần. Vì thế, quá trình phân bổ quota cực kỳ phức tạp” – Bộ trưởng Tuyển cho biết. Trong khi đó, bộ máy cán bộ làm công tác này quá ít, phải làm việc 12 – 13 tiếng một ngày. Để hạn chế tiêu cực, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã yêu cầu công khai minh bạch việc phân bổ trên mạng để doanh nghiệp giám sát. “Tuy nhiên, trong năm 2003 tôi đã không thể kiểm tra được. Mặc dù tôi biết rằng ở đâu có cơ chế phân phối, ở đó cũng có thể diễn ra tiêu cực” – ông Tuyển thừa nhận. Chính vì thế, tháng 4-2004, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã cho lập đoàn kiểm tra việc phân bổ quota dệt may, nhưng do tính chất phức tạp, thời gian kiểm tra cần rất nhiều thời gian. Tháng 9-2004, khi đoàn kiểm tra còn chưa ra được báo cáo cuối cùng thì Lê Văn Thắng (nguyên Vụ phó Vụ XNK Bộ Thương mại) bị bắt. “Vậy thái độ của tôi bây giờ là thế nào? Là phải nghiêm khắc với sai phạm, là không thể sống mãi với sai phạm” – Bộ trưởng Trương Đình Tuyển thể hiện quyết tâm và cho biết đã rút ra nhiều bài học từ vụ tiêu cực này. Ông đã cho thành lập một tổ giám sát việc phân bổ hạn ngạch dệt may trực thuộc Bộ trưởng Bộ Thương mại, làm việc song hành và độc lập với bộ phận quản lý. “Kể cả thứ trưởng phụ trách phân bổ hạn ngạch cũng không có quyền với tổ giám sát này” – ông Tuyển cho biết. Ngoài ra, Bộ Thương mại cũng đã thiết lập một quy trình phân bổ mới nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực trong tiếp nhận, xử lý công văn. “Doanh nghiệp bây giờ không cần phải chạy đến bộ nữa, vì gửi công văn đến thì bộ sẽ thông báo ngay là đã nhận được. Sau đó, khi xử lý thì cũng công bố trên mạng là công văn này đã được xử lý. Trước đây, doanh nghiệp ra bộ, không bị đòi hối lộ thì cũng có một phong bì, phong bao. Hy vọng quy trình mới sẽ chặn đứng hiện tượng tiêu cực này” – Bộ trưởng Trương Đình Tuyển nắm chặt tay đầy tin tưởng và cho biết, trước khi đến Quốc hội trả lời chất vấn, ông đã họp với các cán bộ dưới quyền, đặt vấn đề có thể xây dựng một Bộ Thương mại “trong sạch, không có tham nhũng” và đăng ký mục tiêu này với Trung ương Đảng, Chính phủ. “Tất nhiên, đăng ký không phải để lấy tiếng, mà phải quyết liệt làm thật” – Bộ trưởng Tuyển nói.
  • “Xin - cho” sẽ có tiêu cực, nhưng hối lộ thì không dễ phát hiện

“Vụ tiêu cực này liên quan đến lãnh đạo Bộ Thương mại. Vậy bộ trưởng có biết không, biết từ bao giờ, hay đến khi các cơ quan chức năng “khui” ra, bộ trưởng mới biết?” – đại biểu H’luộc Ntơr (Đắc Lắc) hỏi. Trầm ngâm trong giây lát, Bộ trưởng Tuyển đáp: “Tôi không chỉ nghe dư luận, mà biết rằng, với cơ chế “xin - cho” sẽ có tiêu cực. Khi vụ việc xảy ra, tôi đã gợi ý anh Dâu kiểm điểm, trong đó chú ý cả vấn đề gia đình, người thân. Tuy nhiên, do không tạo được cơ chế giám sát tốt, nên khi kiểm điểm không có chứng cớ để làm rõ”. Rồi bộ trưởng nhắc lại rằng, việc thành lập đoàn kiểm tra vào tháng 4-2004 có thể phát hiện được sai phạm. “Nhưng việc hối lộ thì không dễ phát hiện. Phải là cơ quan điều tra, qua nhiều kênh thì mới phát hiện được” – Bộ trưởng Tuyển thẳng thắn nói.

Suốt cả buổi chiều, xen kẽ phần trả lời về “vụ quota”, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng đã phân tích cặn kẽ và trả lời thỏa đáng các câu hỏi của đại biểu về giá cả thị trường, vật tư phân bón, sắt thép; vai trò của Bộ Thương mại trong việc điều hành giá cả; về giá lúa ở ĐBSCL và biện pháp bảo vệ quyền lợi giữa người sản xuất và xuất khẩu gạo; về gian lận trong chất lượng xăng dầu… Và cuối cùng, Bộ trưởng Tuyển đề nghị: “Nếu các đại biểu Quốc hội thấy cần làm rõ thêm điều gì, tôi xin báo cáo kỹ để Quốc hội nắm thực chất vấn đề. Còn những vấn đề gì mà đại biểu đồng tình với ý kiến giải trình của này thì xin các đại biểu thông báo lại để cử tri cả nước biết”.

  • Một năm sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, Bộ trưởng vẫn cứ làm thinh?

Chất vấn Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc về việc bảo vệ thương hiệu nước mắm Phú Quốc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nhân (Kiên Giang) gay gắt: “Xin bộ trưởng cho biết lý do nào đã khiến bộ trưởng không ký ban hành quy chế, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ dù đã hơn một năm trôi qua. Bộ trưởng có cho rằng nếu Thủ tướng Chính phủ cứ chỉ đạo, dân cứ mong hoài còn bộ trưởng thì cứ làm thinh hoài là vô cảm hay không?”.

Khẳng định Bộ Thủy sản có biết thực trạng xâm phạm nhãn hiệu độc quyền và còn nói rõ việc đó diễn ra không chỉ với thương hiệu nước mắm Phú Quốc, “nhưng việc giải quyết vấn đề phải có sự phối hợp với các bộ liên quan, nhất là với Bộ Khoa học- Công nghệ và còn phụ thuộc vào nhiều khung pháp lý khác. Khi Thủ tướng giao việc này cho Bộ Thủy sản cũng có nói là phải xem xét và làm theo luật định nên làm có chậm. Chúng tôi sẽ xem xét và sớm giải quyết…” - Bộ trưởng Tạ Quang Ngọc trả lời.

Cách trả lời của Bộ trưởng Ngọc không làm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An hài lòng. Chủ tịch Quốc hội chất vấn: Nếu bộ trưởng nói rõ hơn thì tốt. Thời gian từ khi Thủ tướng giao cho đến bây giờ là bao nhiêu và còn bao nhiêu lâu nữa trả lời cho bà con được? “Việc này cũng đã tiến hành 3 năm nay rồi và ý kiến của Thủ tướng cũng không lâu, có thông báo từ năm 2003 và cũng không nói thời hạn nào hoàn thành” - ông Ngọc trả lời.

 “Theo tôi, đồng chí bộ trưởng nói Thủ tướng nói không có thời hạn là không được đâu. Thủ tướng nói là phải làm. Còn làm chưa được phải báo cáo. Thế từ đó đến nay bộ trưởng đã có báo cáo với Thủ tướng lần nào chưa?”. Hơi ngập ngừng, Bộ trưởng Ngọc trả lời: “Thưa, chưa ạ”. “Và cũng chưa báo cáo với địa phương?”. “Dạ có thông báo!”. Nhìn bao quát cả hội trường, Chủ tịch Nguyễn Văn An nói thêm: “Thủ tướng nhiều lần nói chỉ thị của Thủ tướng bên dưới chấp hành không nghiêm. Chúng ta phải rút kinh nghiệm. Như vậy là không được đâu. Thủ tướng đã chỉ đạo là phải chấp hành, làm tới đâu phải báo cáo tới đó!”.

  • “Cán bộ thanh tra tâm phải sáng như Bao Thanh Thiên”

Trả lời các câu hỏi liên quan đến vai trò, trách nhiệm của ngành thanh tra đối với vấn đề chống tham nhũng, ông Quách Lê Thanh cho rằng thanh tra có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn vụ việc, tuy nhiên, trách nhiệm đó không chỉ của một mình thanh tra. Ông nói: “Các thủ trưởng, lãnh đạo chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc để tình trạng tham nhũng, tiêu cực xuất hiện và tồn tại ở đơn vị, địa phương mình. Còn thanh tra, đôi khi cần phải có người tố giác chúng tôi mới thanh tra được”.

Cuối buổi chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thắc mắc: “Nhiều ý kiến cho rằng thanh tra còn nể nang, e ngại khi đề xuất hướng xử lý các cá nhân, đơn vị sau khi có kết luận thanh tra. Xin hỏi đồng chí Tổng Thanh tra là trong số các báo cáo kết luận thanh tra đã chuyển cho Thủ tướng Chính phủ, khi đề xuất xử lý trách nhiệm các cá nhân có sai phạm, thanh tra đã làm thật nghiêm minh chưa?”. Hơi bối rối, Tổng Thanh tra Quách Lê Thanh ngập ngừng trả lời: “Thật nghiêm túc chưa thì… còn phải cân nhắc ạ!”.

Chủ tịch Nguyễn Văn An tiếp tục: “Qua nghe gián tiếp, tôi biết Thủ tướng Chính phủ thường than phiền các đồng chí đề xuất còn né tránh…”. Lần này thì ông Quách Lê Thanh bối rối thật sự: “Thưa, các đồng chí mà chúng tôi đề xuất thường thuộc thẩm quyền quyết định của… cấp trên!”. Cả hội trường cười ồ. “Tôi không hỏi thẩm quyền giải quyết. Tôi chỉ hỏi các đồng chí đã đề xuất nghiêm minh chưa?” - Chủ tịch An tiếp tục “truy”. “Theo nhận thức cá nhân, chúng tôi thấy… đã nghiêm”.

Với vẻ trầm tư, Chủ tịch Nguyễn Văn An nói: “Cử tri cả nước quan tâm nhiều đến chất lượng và phẩm chất, năng lực của công tác thanh tra và cán bộ thanh tra. Tôi nói “văn nghệ” một chút, các đồng chí phải làm thế nào để “cán bộ thanh tra phải tâm sáng như Bao Thanh Thiên, mắt trong như Tôn Ngộ Không và không có ai tham ăn như Trư Bát Giới”. Có vậy, cử tri mới yên tâm được”. 

NHÓM PV
 

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN VĂN AN:
Vấn đề gì xảy ra ở bộ thì bộ trưởng phải có trách nhiệm
Trong giờ giải lao, tôi đã trao đổi với nhiều đại biểu bên hành lang, đa số các đại biểu đều khen phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tuyển. Các đại biểu cho rằng đây là vị bộ trưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Tôi cho rằng đây là một thái độ đúng về trách nhiệm của bộ trưởng trước Quốc hội.

Bất cứ vấn đề gì xảy ra ở bộ thì bộ trưởng phải có trách nhiệm và Quốc hội chỉ cần biết trách nhiệm ở bộ trưởng mà thôi. Tôi được biết Chính phủ đang chuẩn bị nghị định về trách nhiệm người đứng đầu. Sở dĩ tôi nhắc đến việc này là vì có không ít bộ trưởng còn băn khoăn về trách nhiệm của mình.

Các vị đó cho rằng do đã phân công cho thứ trưởng, tôi không tiêu cực… nên vẫn còn băn khoăn khi nhắc đến trách nhiệm. Tôi cho rằng thái độ đó là không đúng. Đây là trách nhiệm chính trị, và đứng trước Quốc hội thì chỉ nói đến trách nhiệm chính trị thôi.

Tin cùng chuyên mục