Triển khai Luật Phòng chống tham nhũng

Trước hết: tạo cơ chế mới

Trước hết: tạo cơ chế mới

Hôm qua 27-5, Báo SGGP đã đăng bài phỏng vấn Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình về việc triển khai Luật Phòng chống tham nhũng từ ngày 1-6 tới đây. Làm sao để việc thực hiện đạo luật này đi vào cuộc sống? Phóng viên SGGP tiếp tục ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH về vấn đề này.

  • Đại biểu ĐẶNG VĂN XƯỚNG (Long An): Cần thực hiện quy định kê khai tài sản trong năm 2006

Trước hết: tạo cơ chế mới ảnh 1

Một trong những nội dung quan trọng của Luật Phòng chống tham nhũng là cán bộ công chức phải kê khai tài sản hàng năm. Nếu quy định này được thực thi, sẽ góp phần chống tham nhũng rất hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để thực hiện kê khai tài sản ngay trong năm 2006. Văn bản này phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể để kiểm soát độ tin cậy của các bản kê khai. Trường hợp có dấu hiệu kê khai gian dối, cần điều tra xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, phải sớm thành lập Ban chỉ đạo Trung ương và các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng trong Bộ Công an, Viện KSND tối cao và Thanh tra Chính phủ.

Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ cũng là điểm mới rất hay của Luật Phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng này, cần sửa đổi một số quy định, đặc biệt là cơ chế của các cơ quan Đảng. Nghĩa là cũng cần phải có thời gian. Còn tại kỳ họp Quốc hội lần này, công tác cán bộ có thể đổi mới một phần, chẳng hạn như cần công khai về tài sản của các ứng cử viên vào chức vụ cấp cao.

  • Đại biểu ĐÀO XUÂN NAY (Bình Thuận): Quản lý chặt chẽ tài chính và cán bộ

Luật Phòng chống tham nhũng sắp có hiệu lực thi hành, nếu Quốc hội và Chính phủ không đặt vấn đề trọng tâm là khẩn trương rà soát lại các cơ chế, chính sách lạc hậu trên lĩnh vực quản lý các dự án, kể cả dự án ODA, các dự án nước ngoài và các dự án có nguồn vốn trong nước, để sửa đổi và hủy bỏ các văn bản không còn phù hợp, thì nhất định sẽ còn kẽ hở, tạo ra “mảnh đất tốt” cho kẻ tham nhũng. Không phải có luật là luật sẽ đi ngay vào cuộc sống. Cơ chế chính sách do con người làm ra và tham nhũng cũng là do con người hành động.

Vì vậy để ngăn chặn hiệu quả tệ nạn tham nhũng, lãng phí thì ngoài các văn bản pháp luật của Nhà nước, các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, cần một cơ chế chặt chẽ trong quản lý tài chính, ngân sách, quản lý tài sản công, và tập trung làm tốt công tác tổ chức cán bộ. Có một cơ chế thuận lợi nhất cho nhân dân giám sát lĩnh vực này. Có vậy chúng ta mới dần hạn chế tình trạng lãng phí, tham nhũng, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

  • Đại biểu HOÀNG VĂN XIM (Hà Tây): Ba giải pháp đưa luật vào cuộc sống

Để Luật Phòng chống tham nhũng triển khai đạt hiệu quả, tôi đề nghị mạnh dạn có 3 giải pháp sau đây. Thứ nhất, phải cải tiến cơ chế quản lý con người theo hướng trực tiếp, nghĩa là cấp trên có quyền và trách nhiệm quyết định trực tiếp đối với cấp dưới, kể cả khâu tuyển dụng, sử dụng và chế độ đãi ngộ. Tôi hoàn toàn đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về quy định thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên bổ nhiệm trực tiếp thủ trưởng ở những cấp dưới. Người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng, sử dụng và bảo đảm chế độ đối với người lao động dưới quyền. Nếu thực hiện cơ chế này, sẽ quy được trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể đối với từng trường hợp khi có vi phạm. Đồng thời, còn khắc phục được tình trạng “trên bảo dưới không nghe” tồn tại lâu nay.

Thứ hai, phải có cơ chế quản lý về tài chính, làm sao để sớm phát hiện ra những hiện tượng tham nhũng và tham ô. Trong các vụ tham nhũng vừa qua, có một điểm chung là phát hiện chậm, khi phát hiện thì cán bộ mất và tiền của Nhà nước cũng mất. Vì vậy, cơ chế tài chính cần quy định theo hướng các tài sản của Nhà nước và mọi thu nhập của cán bộ công chức phải được kiểm soát. Làm sao mỗi cán bộ công chức trong thu nhập của mình xác định được đồng tiền nào là đồng tiền sạch, đồng tiền nào là đồng tiền bẩn. Thứ ba, cần phải khởi động cuộc chống tham nhũng một cách toàn diện, trong toàn bộ hệ thống chính trị và trong toàn xã hội. 

HÀM YÊN

Tin cùng chuyên mục