
“Giá cả liên tục tăng, giải pháp nào để ngăn chặn, giảm thiểu đến tác động của người dân”, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận trong ngày hôm qua (18-5) khi Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội. Cùng ngày, Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2004.
- Giá hàng hóa chạy đua với tăng lương
Xăng dầu, vàng tăng giá, điện cũng rục rịch tăng… đã mang đến nhiều tâm trạng khác nhau đối với mỗi đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến đều cho rằng, Chính phủ cần có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ hơn trong việc điều hành giá cả.

Theo đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long), những mặt hàng chiến lược này tăng thì hàng loạt những ngành nghề hàng hóa khác đều tăng. Trong khi đó, theo báo cáo của Chính phủ thì các ngành chức năng chưa làm tham mưu cho Chính phủ để kịp thời kìm hãm giá lại, do đó để giá tăng. “Cử tri hết sức băn khoăn, giá hiện hành đã cao mà nhiều mặt hàng tăng nữa thì khó cho cả sản xuất và đời sống của người dân, nhất là cán bộ công chức hiện sống bằng đồng lương. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội nên xem xét vấn đề này, làm thế nào đó kìm hãm giá lại”, đại biểu Kiệt trình bày.
Ở một góc độ khác, đại biểu Ngô Sỹ Hưởng (Thái Nguyên) phân tích, về vấn đề tăng giá, thời gian vừa qua báo chí đã có nhiều tuyên truyền hiệu quả nhưng nhiều khi nêu trước vấn đề nên nhiều khi gây tác động không tốt đến xã hội. Lương tối thiểu dự kiến tháng 10 tăng lên 400.000 - 420.000 đồng/tháng chưa thấy đâu nhưng hàng hóa cứ thi nhau tăng giá. Vấn đề tâm lý là rất quan trọng, song vừa qua chúng ta chưa rút được kinh nghiệm nên dẫn đến việc cứ đến dịp tăng lương là giá đua nhau tăng.
Đâu là giải pháp cho vấn đề này? Theo đại biểu Nguyễn Văn Mễ (Thừa Thiên – Huế), vấn đề giá cả tiền lương dù muốn hay không, nền kinh tế của nước ta vẫn đang hàng ngày, hàng giờ chịu sự tác động bất lợi của thị trường thế giới.
Luật chơi WTO cũng đòi hỏi chúng ta phải thích nghi dần với điều đó. Vì vậy, cần chủ động tính toán các phương án lựa chọn hợp lý các lộ trình, điều chỉnh đầu vào, đảm bảo đầu ra có thể chấp nhận được. Cũng theo đại biểu này, chính sách giá cả và tiền lương cũng cần chú ý những người có thu nhập thấp, trong đó có cán bộ hưu trí. Vừa qua đối tượng này chỉ được điều chỉnh tăng bình quân khoảng 3%, nhưng chỉ số tăng giá năm 2005 lên đến 8,4% nên đã gây nhiều tâm trạng băn khoăn lo lắng trong một bộ phận quần chúng và cán bộ hưu trí.
- Tràn lan việc chi ngân sách vượt dự toán
Thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2004, vấn đề khiến phần lớn đại biểu trăn trở, lo toan là tình trạng chi ngân sách còn rất bất cập. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, tình trạng phổ biến là chi vượt dự toán tràn lan và không mang lại hiệu quả.
Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên cho biết, năm 2004, quyết toán chi ngân sách ở trung ương chỉ tăng 0,5% so với dự toán. Nhưng một số cơ quan như Bộ Giao thông – Vận tải vượt 10,5%, Ủy ban Thể dục thể thao vượt 122%, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vượt 113,1%... Cũng theo ông Kiên, trong các khoản chi vượt dự toán như chi thể dục thể thao, chi bổ sung dự trữ quốc gia... thì chi quản lý hành chính vượt tới 33,5%. Trong đó, “tình trạng chi tiêu sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức, mua sắm tài sản công, lãng phí... vẫn chậm được khắc phục”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hồng (Thừa Thiên-Huế) tỏ ra bức xúc và yêu cầu Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả của các nguồn chi, đặc biệt cần phải khắc phục một cách dứt điểm tình trạng sử dụng vốn không đúng mục đích như vụ PMU 18 và Bộ GT-VT. Đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) đề nghị, Chính phủ phải báo cáo rõ trong năm 2004, có bao nhiêu công trình sử dụng NSNN mà không đưa vào sử dụng. Bởi không thể đưa vào quyết toán cả những công trình không được sử dụng. Đồng thời, cũng phải loại bỏ ra khỏi quyết toán cả những công trình đã xong mà chưa quyết toán.
Trước những thực trạng nêu trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Tào Hữu Phùng yêu cầu phải tổ chức tranh tra, kiểm toán. Ông cũng nêu lên thực tế, hiện cả nước vẫn còn hơn 50% tỉnh và bộ, ngành chưa được kiểm toán. Bởi vậy, nếu Quốc hội thông qua quyết toán NSNN năm 2004 thì phải bảo đảm điều kiện: nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán phát hiện được trường hợp, cơ quan, địa phương nào vi phạm, có tiêu cực thì vẫn đưa ra xử lý nghiêm minh.
Giải trình về lý do tăng chi năm 2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đó là những khoản đã chi cho Hội nghị ASEM 5, chi tăng biên chế và trang phục cho các cơ quan Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân, đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài… Theo Bộ trưởng, đại bộ phận các khoản chi này đã báo cáo kiểm toán và được xác định là hợp lý.
Tuy nhiên, phần lớn đại biểu vẫn không đồng tình với báo cáo quyết toán NSNN năm 2004 của Chính phủ. Trước những ý kiến còn khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được yêu cầu Chính phủ có bản giải trình riêng về quyết toán NSNN năm 2004 gửi từng đại biểu Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua
NHÓM PV
Đại biểu NGUYỄN NGỌC MINH (Ninh Thuận):
Tổng thu cân đối NSNN đã vượt so với dự toán mà Quốc hội giao là 25,5% (tương ứng với 38.103 tỷ đồng). Những lĩnh vực làm tăng thu ngân sách của chúng ta chủ yếu tập trung ở xuất khẩu dầu thô, thu thuế sử dụng đất nông nghiệp, thu về nhà đất... trong khi thu từ kinh tế quốc doanh, thu phí xăng dầu và hoạt động xuất nhập khẩu (phần cân đối) lại giảm. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta phát triển chưa bền vững.
Đại biểu NGUYỄN KIM THANH (Bình Phước):
Phía sau những con sốt vượt thu, chúng ta vẫn còn đối mặt với rất nhiều điều bất ổn. Khắp cả nước ta, chỗ nào cũng có treo biển đóng thuế là nghĩa vụ của công dân để phát triển đất nước. Nhưng hiện nay, tình trạng thất thu thuế còn rất lớn. Trong khi, nguồn thu chủ yếu cho ngân sách của chúng ta lại trông dựa vào xuất khẩu dầu thô, đất và tài nguyên. Lẽ ra chúng ta phải làm tốt hơn việc thu NSNN và nguồn thu này phải chủ yếu được đẩy mạnh từ nguồn thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính NGUYỄN SINH HÙNG:
Sở dĩ phải tính dự toán thu ngân sách thấp vì những lý do như giá dầu thô trên thế giới liên tục biến động. Trong khi trong nước, thị trường đất đai cũng lên rồi xuống... ảnh hưởng rất rõ tới nguồn thu NSNN. Bởi vậy, Chính phủ phải tính dự toán một cách chắc chắn. Nếu vượt thu thì rất tốt. Nhưng nếu thiếu hụt nguồn thu cũng rất đáng lo. Vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta phải làm tốt công tác thu thuế, đẩy mạnh việc chống thất thu và nợ đọng thuế, chủ yếu từ các doanh nghiệp