Quốc hội thảo luận dự án Luật trợ giúp pháp lý

Người nghèo sẽ được trợ giúp pháp luật miễn phí

Ngày 24-5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật trợ giúp pháp lý. Vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi là có nên mở rộng đối tượng được tư vấn miễn phí và xã hội hóa hoạt động này như thế nào?

Về vấn đề người được trợ giúp pháp lý (TGPL), dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1, người được trợ giúp là người nghèo theo quy định của chuẩn nghèo. Phương án 2 bao gồm người nghèo, người hoạt động cách mạng trước Tổng khởi nghĩa 19-8-1945; cha, mẹ, vợ (hoặc chồng), con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; đồng bào dân tộc thiểu số cư trú ở các xã miền núi, vùng cao, vùng xa, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn...

Đi thẳng vào vấn đề còn gây tranh cãi, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Vy (Sơn La) cho rằng, việc TVPL  miễn phí cho mọi người là cần thiết, tạo điều kiện cho mọi người sống và làm việc theo pháp luật, đặc biệt là người nghèo, người có công với cách mạng. Vì quy định như vậy phù hợp với pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, chỉ nên áp dụng việc TGPL với đối tượng là người nghèo. Đại biểu Trương Thị Mai (Trà Vinh) lập luận: “Theo tôi người được hưởng trợ giúp pháp lý chỉ cần tập trung cho đối tượng nghèo. Không nên đưa đối tượng người có công với cách mạng nói chung vào vì đã có nhiều chính sách khác cho các đối tượng này”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo) Uông Chu Lưu cũng đồng tình với cách chọn phương án 1. Lý do, theo Bộ trưởng, cả nước hiện có tới 26% người nghèo theo tiêu chuẩn mới; gần 7 triệu người thuộc diện chính sách đang hưởng lương từ ngân sách và 13% đồng bào dân tộc thiểu số. Cộng lại theo cách cơ học chiếm hơn 50% dân số, chắc chắn nhà nước không thể đáp ứng nổi.
Vấn đề xã hội hóa TGPL, theo đại biểu Huỳnh Thị Dã Thanh (Ninh Thuận), trong điều kiện thực tế hiện nay thì chưa nên xã hội hóa TGPL theo hướng giao toàn bộ cho các tổ chức xã hội, đoàn thể.

Bởi lẽ hiện tại các tổ chức này đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế tự trang trải, còn gặp khó khăn trong việc chủ động phát huy các nguồn lực. Vì vậy, Nhà nước phải làm nòng cốt và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện và tạo điều kiện thu hút các tổ chức xã hội, đoàn thể tham gia.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan (Đà Nẵng) cho rằng, nếu chỉ cho thành lập trung tâm TGPL Nhà nước ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và căn cứ nhu cầu của địa phương là chưa phù hợp và cần phải đề cập đến hoạt động này ở cấp huyện, xã.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục