Quốc hội thảo luận dự án Luật Chứng khoán

Vị trí pháp lý nào cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?

Thảo luận dự án Luật Chứng khoán, một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm và tranh luận sôi nổi là địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) như thế nào? SGGP ghi nhận những ý kiến nổi bật liên quan đến vấn đề này
Vị trí pháp lý nào cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước?

Thảo luận dự án Luật Chứng khoán, một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH đặc biệt quan tâm và tranh luận sôi nổi là địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) như thế nào? SGGP ghi nhận những ý kiến nổi bật liên quan đến vấn đề này.

  • Đại biểu NGUYỄN NGỌC TRÂN (An Giang):

Báo cáo của đại biểu Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, từ lúc giao UBCKNN về Bộ Tài chính, thì phát triển tương đối toàn diện, vững chắc. Tôi cho rằng hơi vội vàng, trước hết là thiếu đối chứng. Bởi nếu trong thời gian đó, UBCKNN độc lập và được ban hành những văn bản pháp quy có tính chất quản lý nhà nước thì chưa hẳn. Thứ hai, có một số yếu tố khách quan làm cho thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển lên, đó là: Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, đặc biệt là triển vọng chúng ta sắp gia nhập WTO. Vì vậy, lập luận đó không thuyết phục.

Vị trí pháp lý nào cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước? ảnh 1
Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Ảnh: M.Đ.

Bộ Tài chính là một cơ quan phát hành trái phiếu ra công chúng. Theo quy định thì phải chịu sự quản lý của UBCKNN, nhưng mô hình như hiện nay thì ngược lại. Nhiều ĐBQH chuyên trách khi thảo luận, cho rằng, như vậy có tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” không?

Theo khuyến cáo của Ủy ban Chứng khoán quốc tế (IOSC), sự độc lập của UBCKNN sẽ góp phần gìn giữ sự ổn định tiền tệ và ổn định tài chính quốc gia. Đó chính là hai mặt của một vấn đề, là điều kiện để phát triển TTCK và nền tài chính quốc gia.

  • Đại biểu NGUYỄN VĂN THUYẾT (Lạng Sơn):

Theo tôi, ít nhất là trong 7 nước công nghiệp phát triển - G7, thì đã có 5 nước có UBCK độc lập như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Nhật. Nước có mô hình chuyển đổi gần giống như ta là Trung Quốc thì cơ quan quản lý chứng khoán cũng là cơ quan độc lập.

Mô hình thứ hai, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế và Ngân sách của QH thì thấy, Hàn Quốc- nền kinh tế thứ 11 của thế giới, và các nước gần ta, phát triển hơn ta như: Malaysia, Thái Lan thì đều theo mô hình thứ 2, tức là có một Hội đồng Chứng khoán, trong đó có đại diện nhiều cơ quan thì nó vẫn là độc lập.

Chúng tôi cho rằng phải cân nhắc để xem việc chúng ta có một cơ quan quản lý TTCK trực thuộc vào Bộ Tài chính như vậy thì có phải là xu thế tiến bộ của thế giới không?

Bộ Tài chính là cơ quan phát hành công trái Chính phủ, tức là cũng tham gia TTCK. Trong TTCK, người ta phải có một nguyên tắc cơ bản là tất cả các nhà đầu tư phải tiếp cận thông tin như nhau. Bộ Tài chính là cấp trên của UBCKNN, thì rõ ràng làm sao tiếp cận thông tin như nhau được? Tôi nghĩ không phải là “vừa đá bóng vừa thổi còi”, mà còn “kiêm” luôn cả chức giám sát trọng tài và Trưởng ban khen thưởng kỷ luật...

  • Bộ trưởng Bộ Tài chính NGUYỄN SINH HÙNG trả lời:

Dù thuộc Bộ Tài chính nhưng UBCKNN không hoạt động như một cục, vụ, hay viện của Bộ mà theo tinh thần Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt quản lý. Toàn bộ hoạt động của UBCKNN chuyển vào Bộ Tài chính thì nó cũng hoạt động theo tính chất độc lập của cơ quan này.

Có đồng chí phân vân là phát hành trái phiếu, thì Bộ Tài chính được giao phát hành trái phiếu Chính phủ, lại quản lý nhà nước về TTCK, trái phiếu lại lưu hành trên TTCK có “vừa đá bóng vừa thổi còi”, còn làm cả trọng tài nữa. Đây là cách nói nghe có vẻ cũng đúng. Nhưng tôi xin thưa, phát hành trái phiếu là hình thức Chính phủ đi vay dân (có thể vay trong nước, vay ngoài nước). Sau khi trái phiếu lưu hành vào người dân rồi thì thông qua TTCK mua đi, bán lại. Việc mua đi bán lại trên TTCK lại theo sự quản lý của TTCK. Nếu chúng ta phát hành trên TTCK quốc tế thì trái phiếu Chính phủ sẽ được mua bán trên thế giới và bị Luật Chứng khoán của các nước chi phối, do đó Bộ Tài chính không thể “thổi còi” được. Đó là hai việc khác nhau.

Việc thiết kế UBCKNN nằm trong Bộ Tài chính là chúng ta đã thiết kế mở với tinh thần là khi có đủ điều kiện nâng vị trí độc lập của UBCKNN lên và ít nhất phải sau 2010. Theo chúng tôi, phương án này là phương án tối ưu.

  • Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, ĐB Nguyễn Ngọc Trân “phản kích”:

“Anh có nói đến vấn đề phát hành trái phiếu, tôi muốn nói đến ngày 17-5-2005 khi anh mang trái phiếu Chính phủ ra bán tại thị trường quốc tế để huy động 750 triệu USD và bán rất nhanh. Nhiều người hồ hởi nhưng nhiều người biết chuyện lại rất băn khoăn và cảm thấy hơi tiếc và chua xót. Nếu tính lãi suất, thời gian phải trả và người ta lấy hoa hồng của việc phát hành thì thật sự ra, với những điều kiện đó, chúng ta hoàn toàn có thể phát hành trên TTCK ở TPHCM vay bằng USD. Chúng ta thua lỗ mà không biết.

Do đó, tôi nói việc UBCKNN thuộc Bộ Tài chính là “vừa đá bóng vừa thổi còi” là tôi đã cân nhắc, chứ không phải tôi nói không có cơ sở. Vì vậy, tôi vẫn giữ quan điểm UBCKNN cần là cơ quan độc lập và hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 10-15 tỷ USD qua thị trường chứng khoán vào 2010". 

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục