Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Phòng, chống HIV/AIDS

Nhiều quy định chưa rõ ràng

Nhiều quy định chưa rõ ràng

Ngày 20-5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về hai dự án luật Kinh doanh bất động sản và Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là giải pháp để hoạt động kinh doanh bất động sản có hiệu quả và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS. 

  • Huy động tiền ứng trước để kinh doanh bất động sản 
Nhiều quy định chưa rõ ràng ảnh 1
Đại biểu Yly Trang (Kon Tum) góp ý tại hội trường. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đa số đại biểu Quốc hội đều thống nhất phải ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS). Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn về vấn đề làm sao để tận dụng nguồn lực trong đầu tư kinh doanh, cũng như việc cấp chứng chỉ hành nghề định giá BĐS.

Theo dự thảo, các chủ đầu tư dự án đầu tư KDBĐS được thỏa thuận trong hợp đồng về việc mua, bán, chuyển nhượng BĐS hình thành trong tương lai theo phương thức ứng tiền trước. Nhận xét về quy định này, nhiều đại biểu đồng tình và cho rằng quy định này là cần thiết bởi việc đầu tư các dự án KDBĐS đòi hỏi phải có vốn lớn và quy định này sẽ tận dụng được nguồn vốn trong dân để đầu tư.

Song theo đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An), cần phải có quy định chặt chẽ việc ứng trước vốn này phải thực hiện theo đúng tiến độ của dự án đã được phê duyệt. ở một góc độ khác, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) băn khoăn về khả năng của các doanh nghiệp KDBĐS trong nước khi cho rằng hiện nay rất nhiều chủ đầu tư dự án đầu tư KDBĐS trong nước đang ở trong tình trạng “tay không bắt giặc” - nghĩa là không có tiền cũng làm dự án.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là việc cấp chứng chỉ hành nghề định giá BĐS. Theo dự thảo, những người được cấp chứng chỉ BĐS phải có trình độ từ đại học trở lên - liên quan đến định giá BĐS; đã qua khóa đào tạo và đạt kết quả sát hạch về định giá BĐS;… và giao cho UBND cấp tỉnh tổ chức cấp chứng chỉ này.

Nhận xét về quy định này, các đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng), Trần Huỳnh Mến (Đồng Tháp), Phương Hữu Việt (Hà Nội) đều cho rằng, việc tổ chức, cấp chứng chỉ một cách bài bản cho những người tham gia hoạt động này là cần thiết, song dự thảo luật chưa quy định rõ cơ quan nào sẽ tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng này cũng như chưa có quy định về mẫu thống nhất cho loại chứng chỉ trên. “Theo dự kiến, ngày 1-10 tới, luật này sẽ có hiệu lực nhưng các quy định về định giá chưa rõ ràng: cơ quan nào đào tạo, tiêu chuẩn để cấp chứng chỉ cho người định giá,… Nếu không làm rõ thì quy định này rất khó thực hiện”, đại biểu Phương Hữu Việt trình bày.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), giao việc định giá cho các tổ chức định giá thì khó có thể an tâm. Ông phân tích, việc tổ chức định giá nhằm kéo giá đất sát với thị trường mà các cơ quan trung ương còn không làm được, nay dự luật lại giao cho doanh nghiệp.

Trong khi đó việc cấp lại do các địa phương làm, do vậy, chưa có cơ sở nào để cho thấy việc định giá này có hiệu quả. Theo ông, báo cáo quyết toán ngân sách năm 2004 vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng trình bày cho thấy, nguồn thu ngân sách từ đất đai vượt rất nhiều so với dự toán. Điều này cho thấy công tác định giá, dự báo giá đất không được tốt. 

  • Giải pháp nào ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS? 

Trước đó, trong phần thảo luận về dự án Luật Phòng chống HIV/AIDS, phần lớn đại biểu đều tập trung vào nội dung “Làm cách nào để ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của đại dịch HIV/ADIS ở nước ta?”. Và những đòi hỏi cấp thiết này được dự thảo luật quy định như thế nào để khi đi vào cuộc sống, nó thực sự mang lại hiệu quả?

Nhiều quy định chưa rõ ràng ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) góp ý Dự thảo Luật kinh doanh bất động sản.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) nói rằng hiện HIV/AIDS đã trở thành một đại dịch ở nước ta. Bởi vậy, dự thảo luật phải quy định ngay những điều và nội dung cụ thể về các hình thức, biện pháp xã hội trong phòng chống HIV/AIDS để dễ và sớm được triển khai trong thời gian tới, khi luật bắt đầu có hiệu lực.

Đi sâu hơn vào các giải pháp, đại biểu Ngô Thị Minh yêu cầu dự thảo luật phải quy định rõ trách nhiệm của người bị nhiễm HIV/AIDS là phải trung thực khai báo với gia đình, đặc biệt là bố mẹ, vợ, con về việc họ bị nhiễm HIV/AIDS để các thành viên trong gia đình chủ động áp dụng các biện pháp tránh lây nhiễm. Đồng thời, dự thảo cũng phải nêu rõ biện pháp chế tài, xử lý nghiêm minh nếu trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS mà không khai báo với gia đình. Ngoài ra, dự thảo cũng cần đưa thêm vào nội dung luật quy định cấm bỏ rơi con bị nhiễm HIV vì hiện nay thực trạng này đang diễn ra ở nhiều nơi, gây nhức nhối cho xã hội, trái với thuần phong đạo lý.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) còn góp thêm: Dự thảo có thể cho phép người nhiễm HIV/AIDS kết hôn nhưng không nên cho phép họ có con. Bởi nếu đứa trẻ được sinh ra, tỉ lệ nhiễm HIV rất cao và như vậy gây hậu quả và trách nhiệm nặng nề hơn cho chính họ và xã hội.

Còn đại biểu Nguyễn Viết Chức (Hà Nội) lại nhấn mạnh vào quy định khuyến khích sử dụng bao cao su và kim tiêm sạch, điều trị chứng nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Trước một số ý kiến cho rằng dự thảo luật khuyến khích việc cung cấp bao cao su, kim tiêm sạch không chỉ trái thuần phong mỹ tục mà còn “tiếp tay” cho thêm nhiều đối tượng hơn dẫn đến lây nhiễm HIV nhiều hơn, đại biểu này lập luận ngược lại: “Ở Thái Lan, khi trả lại tiền lẻ, người ta có thể trả lại bằng bao cao su”. Không phải nếu ta phát miễn phí hoặc cung cấp dịch vụ bao cao su, kim tiêm sạch... là khuyến khích họ. Thực tế, nếu chúng ta không làm như vậy thì họ vẫn có thể có những hành vi dẫn đến sự lây nhiễm căn bệnh thế kỷ”.

Ngày 22-5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục