Dâng trâu trên đỉnh Pú Chò Nhàng

Với đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An, đền Chín Gian (xã Châu Kim, huyện Quế Phong) là chốn để hướng về. Còn với người phương xa, đền Chín Gian thật huyền ảo, gợi nên bao chuyện về miền đất Thái cổ trên rẻo cao gió sương. Trong những câu chuyện huyền ảo có nghi lễ dâng trâu mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái.
Các cô gái Thái trong đoàn rước trâu trước đền Chín Gian
Các cô gái Thái trong đoàn rước trâu trước đền Chín Gian

Ly kỳ lễ dâng trâu

Ông Sầm Văn Bình, nhà nghiên cứu văn hóa Thái, cho biết, lễ dâng trâu ở đền Chín Gian có rất nhiều điểm hấp dẫn. Ngày xưa, khi tổ chức lễ, các mường phải bầu một ông gọi là Chau Hua để trông coi việc thờ cúng, cùng 2 ông phục dịch. Ba người này không được mặc quần dài, chỉ mặc áo Thái thân dài đến mắt cá chân. Trong thời gian ở đền, Chau Hua phải kiêng cữ tối đa mọi việc. Đến kỳ lễ, 9 mường phải chuẩn bị 9 trâu và 30 thúng gạo cùng tơ, vải... Ngày lễ, Tạo mường tập hợp các cụ già, chức dịch và trai tráng trong 9 mường rước lễ, gồm: trâu, cá, gà, heo, rượu. Đoàn rước do Tạo mường dẫn đầu, đến các bô lão, chức dịch, lễ vật; rồi ông Ạp (ông tắm trâu), bà Mo mường, các “xảo lực mỏ” (người con gái đẹp) và sau cùng là đoàn người dự lễ. Đồng bào Thái cho rằng, đường về mường Phạ (mường Trời) - nơi ở của vua Trời và Tạo Ló Ỳ có nhiều cửa ải, qua mỗi cửa ải phải cúng một lễ vật cho vị thần giữ cửa. Vì vậy, ngày thứ nhất chỉ cúng cá, gà và heo; ngày thứ 2 mới làm lễ “Hắp Quái” (lễ dâng trâu). 

Trâu chọn để dâng bắt buộc phải là trâu mộng, chưa dùng cày kéo, không có khiếm khuyết trên cơ thể. Tại lễ này, bà Mo dẫn Tạo mường, ông Ạp và các cụ già cầm đuốc đi quanh con trâu 3 vòng, tỏ ý đồng lòng dâng trâu. Tiếp đó, ông Ạp đưa trâu xuống bến Tà Tạo dưới sông Nậm Giải tắm. Trâu được khoát nước tượng trưng 9 lần, sau đó được dắt về đền theo hướng khác lúc đi. Khi trâu được buộc vào “lắc quái” (cây cột buộc trâu) trước đền, ông Ạp vung dao chém tượng trưng vào cổ trâu. Sau khi “hóa kiếp”, trâu được thui và mổ ruột rồi đem nguyên cả thân trâu lên đặt tại gian thờ của mường mình trong đền. Ngoài ra, mỗi mường dâng thêm 9 con heo con, 90 con gà tơ và 90 gắp cá sông nướng. Mỗi mường có một bà Mo làm lễ “Hắp Quái” của mường mình - lễ đến hết ngày thứ 3 mới xong. 

Lễ cúng đền hoàn tất, 9 bà Mo được biếu 9 đầu trâu vừa làm lễ. Các phần còn lại được chia làm 3 phần cho Chau Hua, các bà Mo và các mường. Khi những người phục dịch ở đền đưa thịt trâu về đến mường nào thì mường đó phải kiêng trong 3 ngày: Mờ sáng không được giã gạo và không được đánh trống khua chiêng. Sau khi xong việc ở đền, Chau Hua mới được về nhà, mở vò rượu to và cắm vào vò 9 cần để thờ cúng Pò Then (các bậc thần linh). Mọi người phục dịch ở đền trong những ngày trước đó cùng ngồi quanh vò rượu để uống hầu Pò Then. Trong số những người này phải có một người biết hát xuối, lăm, nhuôn và hiểu biết các bài trường ca của người Thái. Người này còn phải hát được 9 bài và đánh trống khua chiêng được 9 hồi...

Cố kết tình thân

Lễ hội đền Chín Gian được tổ chức hàng năm từ ngày 14 đến 16-2 âm lịch, không chỉ là dịp để người Thái bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên; với các đấng bậc dựng mường, lập bản mà còn là dịp để giao lưu, cố kết tình thân, cộng đồng. Người 9 mường rậm rịch hướng lên đền trong tiếng cồng chiêng vang vọng vào tận dãy núi Nộc Yêng xa mờ. Nhịp sạp rộn rã trong lòng, đường còn vấn vít ánh mắt những người tham gia lễ hội. Vui gì hơn “tặp xạc”, “vít cón”! (nhảy sạp, ném còn). Và thú vị hơn cả là cuộc diễn xướng với các điệu xuối, lăm, nhuôn.

Những lời hát này ngoài chúc Tạo mường sống lâu, chúc người “9 mường 10 bản” yên vui, hạnh phúc còn là lời hát giao duyên, tìm bạn. Trong chếnh choáng hơi men của rượu, của hương đất - trời - con người giao hòa, các chàng trai, cô gái ngất ngây, bâng khuâng nương theo câu hát: “Ước sao được hứng sương trên đền Trâu cho bông lau gặp gió. Ước được làm vợ, làm chồng người mường Nọc đẹp nổi tiếng 9 mường…".

Tin cùng chuyên mục