Đánh giá thực chất

Đọc thông tin trên báo về bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, thỉnh thoảng có những trường hợp làm người ta không khỏi giật mình vì chẳng hiểu vì sao anh A, chị B lên chức nhanh như thế trong khi năng lực, thành tích của họ chẳng có gì nổi trội, thậm chí đang có dư luận nữa (?!).

Hoặc có trường hợp được cấp trên điều động “rụp một cái” về giữ chức danh chủ chốt một cách khó hiểu mà chẳng theo quy hoạch nào cả? Trong thực tế, nhiều vụ tiêu cực bị phanh phui, một số cán bộ chủ chốt trong suốt thời gian dài vi phạm pháp luật mà vẫn được chi bộ ở đó đánh giá là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được biểu dương khen thưởng (?!)…

Có những “chuyện lạ” như vậy, suy cho cùng vẫn là công tác đánh giá cán bộ ở nhiều nơi chưa thật sự khách quan, khoa học và công tâm. Không ít trường hợp, dưới con mắt người này, anh A có thể là “cán bộ đầy triển vọng” nhưng với người kia anh A lại là “loại cán bộ không có gì nổi trội”. Một người đấu tranh chống tiêu cực được  đánh giá là dũng cảm nhưng cũng có thể bị quy cho cái tội “gây rối đoàn kết nội bộ”! Ranh giới của sự chuẩn mực lắm lúc trở nên mong manh, thật khó phân định. Hãy nhìn vào tổ chức bộ máy xem chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh, cũng như từng tổ chức Đảng, cơ quan quản lý còn nhiều cái còn chồng chéo, chắp vá  và chưa rõ ràng. Còn tại các buổi sinh hoạt Đảng hay định kỳ nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm nhiều nơi vẫn nể nang, né tránh, nhất là với người đứng đầu.

Một đồng chí “lão làng” trong ngành tổ chức, sau khi nghỉ hưu tâm sự, có trường hợp, ông quá tin vào cấp dưới nên để cho người không đủ tiêu chuẩn, trình độ và năng lực tham gia vào bộ máy. Ông kể, có trường hợp thông tin về cán bộ đến cơ quan quản lý hay cơ quan cấp trên không chính xác do bị thổi phồng hoặc bị xuyên tạc mà không biết.

Hay có cấp ủy còn thói quen đánh giá cán bộ qua “cái nhìn bằng trực giác” hay đánh giá theo những “tiêu chuẩn bắt buộc” chứ chưa căn cứ vào năng lực thực tế của từng người. Khi họp bàn đến đề bạt, quy hoạch cán bộ, phát triển Đảng thì hầu như “tiếng nói quyết định” thuộc về đồng chí bí thư. Nguy hiểm ở chỗ, “quyết định nặng tính cá nhân và chủ quan đó” có khi được hợp thức hóa thành trách nhiệm tập thể. Thành thử việc đánh giá cán bộ nhiều khi còn phụ thuộc rất nhiều vào… “mức độ quan hệ” của cán bộ sắp được bổ nhiệm với những người có quyền hành làm công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy.

LÊ HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục