Bất cập mức hỗ trợ
Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐTB-XH TPHCM và 6 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp (BHTN, các quận 4, 6, 9, 12, Tân Bình và huyện Củ Chi) thuộc trung tâm, tiếp nhận hàng ngàn lượt NLĐ đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp. Tại các quầy nhận hồ sơ, nhân viên tất bật phát hồ sơ và hướng dẫn NLĐ thủ tục đăng ký. Riêng quầy đăng ký học nghề cho lao động thất nghiệp… số người quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay. 9 tháng đầu năm 2020, trung tâm tiếp nhận 137.951 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng chỉ có gần 2.300 người thất nghiệp đăng ký và học nghề.
Ở góc độ đào tạo, các trường nghề của TPHCM có chung nhận định, đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, mang lại nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ. Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM đã đào tạo được gần 340 lao động thất nghiệp/20 chương trình nghề sơ cấp. Nhưng theo TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng nhà trường, số lao động thất nghiệp theo học nghề còn quá ít. Bên cạnh đó, nhiều lao động muốn học những ngành nghề có cơ hội việc làm tốt hơn, ổn định hơn thì gặp khó khăn về tài chính, thời gian…
Cần dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác
Theo quy định hiện hành, NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc thì được hỗ trợ học nghề. Mức hỗ trợ này được cụ thể hóa tại Điều 3, Quyết định 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là tối đa 1 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ không quá 6 tháng/khóa học.
Ông Trần Nguyên Thục, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật quận 12 cho rằng, mức hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp như vậy là quá thấp.
Ông Trần Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế, cho rằng, hỗ trợ học nghề là một điểm ưu việt trong chính sách BHTN, rất cần thiết đối với người thất nghiệp, giúp họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề, sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả hơn, Bộ LĐTB-XH cần tham mưu cho Chính phủ nâng mức hỗ trợ học nghề, chi phí đi lại cho người thất nghiệp. Đồng thời, các cơ sở đào tạo nghề cần có thêm ngành nghề mới phù hợp hơn với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch học linh hoạt, phù hợp với thời gian của NLĐ và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí cao.
Theo ông Tuấn, các ngành chức năng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp để NLĐ dễ tìm việc làm sau khi được đào tạo. Trung tâm dịch vụ việc làm cần đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ, nắm kỹ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động trên địa bàn thành phố.
“Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho trên 170.000 lượt người và tạo ra gần 79.000 việc làm mới. Hiện Sở LĐTB-XH đang có nhiều phương án giúp lao động thất nghiệp sớm tìm được việc làm phù hợp, trong đó phương án tối ưu nhất là tổ chức cho NLĐ được học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. Sở cũng chỉ đạo các bộ phận liên quan tăng cường mở nhiều sàn giao dịch việc làm để giúp nhiều người tìm được việc làm mới phù hợp”, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho hay.
Thay đổi tư duy trong đào tạo nghề QUANG HUY |