Đào tạo, sử dụng nhân tài vì đất nước

Đào tạo và bồi dưỡng nhân tài luôn là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, thực hiện chính sách đó như thế nào cho hiệu quả luôn là vấn đề mà các chuyên gia, nhà khoa học trăn trở. Đó là những ý kiến vừa được đưa ra tại hội nghị phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về chính sách bồi dưỡng nhân tài của đất nước.
Đào tạo, sử dụng nhân tài vì đất nước ảnh 1 Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đoạt giải trong các cuộc thi tài năng, khởi nghiệp
 Cần đổi mới chế độ thi - tuyển, phát hiện và lựa chọn nhân tài
Giáo sư (GS) Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàm lâm khoa học Việt Nam, khẳng định lịch sử dựng nước và giữ nước từ bao đời nay cho thấy, thời nào nhân tài được trọng dụng thì đất nước hưng thịnh, thời nào nhân tài bị khinh bạc thì đất nước suy vong. Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, nhất là trong dòng chảy của công nghiệp 4.0, thì vấn đề GD-ĐT, tuyển chọn người tài - kể cả trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật lẫn lãnh đạo, quản lý - càng bức xúc hơn bao giờ hết.
“Đảng ta đã khẳng định nhân tài không phải sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài và chương trình quốc gia về đào tạo bồi dưỡng cán bộ cũng đã được Đảng ta chú trọng”, GS Nguyễn Ngọc Minh nói. 
“Không nên tập trung phát triển về số lượng mà phải lấy chất lượng là chính. Việc hàng chục ngàn học viên mỗi năm được “ra lò” với sự đào tạo dễ dãi, tràn lan và “bằng thật, chất lượng giả” là rất đáng báo động. Chỉ cần nhìn vào một viện nghiên cứu, hàng năm đều “sản xuất” ra hàng loạt tiến sĩ với một số đề tài ngây ngô và quá non nớt, thì thử hỏi chất lượng tiến sĩ như thế nào”, GS Nguyễn Ngọc Minh băn khoăn.
Về vấn đề thu hút nhân tài vào bộ máy nhà nước, Chính phủ đã có đề án phấn đấu đến năm 2020, thu hút ít nhất 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ (tiến sĩ khoa học không quá 35 tuổi, tiến sĩ không quá 32 tuổi, thạc sĩ không quá 28 tuổi, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc không quá 25 tuổi) vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước; lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước. Mới đây, UBND TPHCM cũng vừa có dự thảo đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác tại các sở ban ngành, các khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến năm 2025. 
Từ trước đến nay, nhiều địa phương như TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đã triển khai các đề án đào tạo, bồi dưỡng người tài. Tuy nhiên, cho đến nay kết quả vẫn còn khiêm tốn, đòi hỏi tiếp tục có giải pháp để thực hiện hiệu quả. Theo GS Nguyễn Ngọc Minh, cần đổi mới chế độ thi - tuyển tạo nguồn, phát hiện và lựa chọn nhân tài để đào tạo, bồi dưỡng. Cải cách phương thức đào tạo nhân tài. Cải cách thể chế quản lý giáo dục, mở cửa - quốc tế hóa các trường đào tạo nhân tài. 
Phải có sách hay, chương trình chuẩn
Mặt khác, theo GS Nguyễn Ngọc Minh, thước đo của chất lượng đại học phải được kiểm định ở các cơ quan kiểm định đạt chuẩn quốc tế, tiến tới hệ thống bằng cấp được công nhận tương đương. Hiện nay, Singapore là một quốc gia có nhiều bước tiến nhảy vọt trong khoa học công nghệ, GD-ĐT, vươn lên từ một nước đang phát triển. Singapore có cách thức đầu tư và thực thi các định hướng một cách nghiêm ngặt và xuất sắc. Sinh viên được chú trọng đào tạo kỹ năng thực tế theo yêu cầu xã hội và sau khi ra trường thì biết cách khởi nghiệp. 
Ở góc độ khác, GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhớ lại những năm đầu hòa bình, tiến sĩ hầu như không có. Tại Đại học Tự nhiên Hà Nội, thầy giáo vừa cầm cuốn sách vừa dịch tiếng nước ngoài cho sinh viên nghe.
“Thế mà, chúng ta vẫn có thế hệ các nhà khoa học tên tuổi, đóng góp nhiều cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước và xây dựng nước nhà”, ông nói.
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, chương trình là cốt lõi của nền học, sách giáo khoa là tài liệu trong pháp lý và học. Nhưng kể từ năm 1980 đến nay, nước ta chưa hề làm được chương trình sách giáo khoa theo chuẩn quốc tế và phù hợp với Việt Nam. Tiền đầu tư vào công việc này càng ngày càng nhiều, hàng tỷ USD, song kết quả ngày càng sai, càng hỗn loạn. “Chương trình - sách giáo khoa ổn định thì giáo dục mới ổn định, mới có được nhân tài”, GS Nguyễn Xuân Hãn nói. Ông cũng đề nghị chấm dứt việc hành chính hóa các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy ở nước ta. 
Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài cần được tính toán, hoạch định một cách cẩn thận, khoa học và chính xác để mang lại lợi ích lớn, tầm nhìn xa. Cần cân nhắc chính sách xã hội hóa, gồm cả Nhà nước, địa phương, các doanh nghiệp và gia đình có điều kiện tham gia chính sách này, có những cam kết ràng buộc mang tính pháp lý. Vừa qua, một số địa phương tuy số lượng không nhiều nhưng đặt ra việc đền bù lại ngân sách cấp cho những người được chọn cử đi học không trở về phục vụ địa phương như cam kết, và được nhiều người đồng tình vì cho rằng thuận về cả lý lẫn tình.

Tin cùng chuyên mục