Đặt giao hàng rồi không ai nhận

Gần đây liên tục xảy ra những vụ người vận chuyển thức ăn (driver hay shipper) bị khách hàng gọi điện đặt đi mua thức ăn trị giá cả triệu đồng mang đến giao nhưng không có ai nhận, phải mất tiền oan. Pháp luật có quy định xử lý đối với hành vi “bùng hàng” như vậy không? 

Dưới góc độ pháp lý, việc nhân viên của Grab, GoViet giao thức ăn cho khách được quy định là hợp đồng vận chuyển tài sản theo quy định tại Điều 530 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển”.

Bên cạnh đó, pháp luật dân sự cũng quy định hợp đồng vận chuyển tài sản được thể hiện đa hình thức: bằng văn bản, bằng lời nói, hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Còn vận đơn, hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác, là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.

Khi một cá nhân đặt thức ăn trên ứng dụng của Grab, GoViet, đơn đặt hàng được xác nhận bởi người giao hàng, đơn hàng này sẽ được xác lập và lưu trữ tại trang lịch sử giao hàng của cả tài khoản khách lẫn người giao hàng. Khách có thể thanh toán phí đồ ăn và cước phí vận chuyển bằng hình thức ví điện tử, hoặc thanh toán trực tiếp khi nhận hàng.

Do đó, có thể khẳng định, hành động đặt hàng của khách và hành động xác nhận đơn hàng của nhân viên Grab, GoViet là sự thỏa thuận của các bên, được định nghĩa là hợp đồng vận chuyển tài sản theo quy định tại điều luật nói trên.

Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Theo đó, điều kiện cần để mỗi bên thực hiện quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại là khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng, hoặc các bên có thỏa thuận khác, hoặc pháp luật có quy định.

Ngoài ra, điều kiện đủ là bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên vi phạm được biết. Có thể hiểu, nếu như không phải do người giao hàng của Grab, GoViet vi phạm trong việc nhận đặt hàng với các cơ sở thức ăn, thức uống, hoặc vi phạm trong việc vận chuyển, giao hàng với khách (giao hàng không đầy đủ, giao sai địa điểm, sai thời hạn…) thì việc khách đơn phương chấm dứt hợp đồng vận chuyển tài sản là trái quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, nhân viên giao hàng của Grab, GoViet có thể yêu cầu khách bồi thường thiệt hại.

Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần tùy theo sự thỏa thuận.

Pháp luật quy định rõ ràng là thế nhưng thực tế không dễ dàng trong việc áp dụng, bởi lẽ rất khó để tìm được người khách hàng thực hiện hành vi “bùng hàng” khi họ cố ý dùng sim rác, địa chỉ ma.

Tin cùng chuyên mục