“Quản lý hoạt động chợ truyền thống” là một trong những nhu cầu được bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Phú Nhuận, đặt hàng qua hội nghị.
Theo bà Hòa, giải pháp mới phải đáp ứng được yêu cầu quản lý số lượng điểm kinh doanh theo sơ đồ tại chợ, biết được tiểu thương hoặc loại nhóm hàng hóa đang kinh doanh, sẵn sàng cung cấp, cập nhật thông tin cho người dân và khách du lịch dễ dàng tìm hiểu, liên hệ mua sắm. Giải pháp mới cũng phải tạo được sự liên kết giữa mua bán hàng hóa trên môi trường Internet và xác nhận qua điện thoại…
Một nhu cầu thực tế khác là “Chatbot - công cụ hỗ trợ hướng dẫn thủ tục cấp mới, thay đổi, chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh” cũng được đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ pháp lý của hộ kinh doanh và doanh nghiệp ngày càng tăng.
Theo bà Thái Thị Mai Trân, Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tân Phú, việc sử dụng chatbot sẽ sẵn sàng phục vụ người dân 24/7, nhận phản hồi - hướng dẫn lập tức, đồng thời có thể kết hợp lồng ghép tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý và thói quen tuân thủ pháp luật của người dân.
Từ những yêu cầu nêu trên, doanh nghiệp công nghệ đã chia sẻ: “Đối với nhu cầu xây dựng ứng dụng quản lý chợ truyền thống, có thể hỗ trợ cho bà con tiểu thương hiểu và tương tác dễ dàng bằng giọng nói, ngay cả những thông báo mới nhất, những cảnh báo về hoạt động của ban quản lý chợ đều có thể thực hiện thông qua giọng nói, giúp tiểu thương dễ tiếp cận và đón nhận”, đại diện Công ty TNHH EDUCOMMERCE đề xuất sử dụng giải pháp chatbot bằng “người ảo”.
Còn ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Titkul cho biết, Titkul đã xây dựng nền tảng cơ bản hỗ trợ thẩm định nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng, sản phẩm, báo cáo thống kê cho cơ quan quản lý, hỗ trợ đặt hàng trực tiếp để giảm bớt lượng người đi chợ (trong bối cảnh dịch bệnh). Nền tảng này có khả năng quản lý được dữ liệu từ người cung ứng đến người bán sản phẩm… nên sẵn sàng đưa ra ứng dụng.
Hội nghị có sự trao đổi, lắng nghe nhu cầu và đề xuất giải pháp công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mua bán, quản lý hàng hóa, hoạt động tiểu thương… giữa khách hàng là cơ quan quản lý nhà nước, ban quản lý chợ và doanh nghiệp công nghệ.
“Sở KH-CN mong muốn tiếp tục là cầu nối giữa các quận, huyện cũng như các sở, ngành trong chương trình đổi mới sáng tạo khu vực công, chuyển đổi số trong khu vực công. Chúng tôi sẽ kết nối với các đơn vị công nghệ để tạo kết nối cung - cầu, để các bên ngồi lại với nhau để cùng tạo ra một mô hình chuẩn, có thể triển khai được cho các quận, huyện”, bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết.