Dấu ấn đội ngũ nhà văn áo lính tại TPHCM

Năm nay, Hội Nhà văn TPHCM (HNVTP) tròn 30 tuổi nhưng thực ra, HNVTP đã hình thành trước đó, từ cuối năm 1975, sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Có thể nói, đội ngũ nhà văn này đã góp phần tích cực làm nên diện mạo văn học TP thời kỳ phôi thai và cả sau này.

Tôi nhớ từ tháng 5-1975 trở đi, Sài Gòn nhanh chóng được khôi phục mọi hoạt động, các nhà văn, nhà thơ từ khắp nơi đổ vào TP rất hùng hậu. Hoạt động sáng tác văn học – nghệ thuật sôi động và lan tỏa đầy hăm hở nhằm khẳng định tính ưu việt của văn học cách mạng, xóa bỏ tàn dư văn hóa của chế độ cũ Sài Gòn. Ta dễ dàng nhận ra đội ngũ sáng tác văn học thành phố hội tụ về đây từ các nguồn: Các nhà văn của miền và các vùng căn cứ kháng chiến, các nhà văn từ miền Bắc vào và các nhà văn hoạt động cách mạng, yêu nước tại Sài Gòn.

TP vào thời kỳ tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ tàn tích chế độ ngụy, đẩy mạnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân thì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Nhiều nhà văn áo lính trực tiếp cầm súng và phục vụ chiến đấu, đi thực tế chiến trường, kịp thời sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị động viên bộ đội chiến đấu. Trong số lính nghĩa vụ quân sự, xuất hiện Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Đông Thức, Bùi Chí Vinh, Lê Minh Quốc. Các bài thơ: Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Mùa mưa ở Poipét của Phạm Sỹ Sáu gây xúc động trong giới trẻ thành phố. Anh được giải nhất cuộc thi thơ của Thành đoàn năm 1981.

Lực lượng TNXP lên biên giới phục vụ chiến đấu xuất hiện nhiều cây bút triển vọng như Nguyễn Nhật Ánh, Diệp Hồng Phương, Hồ Thi Ca, Trần Ngọc Châu, Đào Hiếu, Thanh Nguyên… kết hợp với các tác giả quân đội giúp cho Thành đoàn xuất bản tập thơ Khúc ca vào chiến dịch, góp một nét mới cho phong trào sáng tác văn học TP. Bước sang thời kỳ đổi mới, đất nước có sự chuyển biến quan trọng: xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu, bao cấp, hạch toán kinh tế, kinh doanh, chuyển dần sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vào những năm cuối thập niên 80 – đầu thập niên 90 thế kỷ trước, sự chính biến làm sụp đổ hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, đã tác động mạnh đến Việt Nam. Trong văn học xuất hiện những quan điểm lệch lạc, có xu hướng phủ định quá khứ, xuyên tạc lịch sử, bi đát hóa xã hội, vọng ngoài… Một số phần tử cơ hội, kích động chống Đảng, chống CNXH, đề cao, cổ súy tư tưởng cấp tiến. Trong tình hình đó, các nhà văn quân đội, vẫn vững vàng, tỉnh táo, không chệch hướng sáng tác. Tuy nhiên các tác phẩm ra đời không còn cứng nhắc, một chiều, mà uyển chuyển và có góc nhìn mới hơn, dám phơi bày những mặt trái của xã hội với mong muốn lấy cái thiện đẩy lùi cái ác.

Các nhà văn quân đội không mải mê, để lãng quên đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang, coi đó như món nợ phải trả, mặt khác vẫn hăm hở với những đề tài mới bức xúc của xã hội, góp cho nền văn học TP nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và tư tưởng. Dòng chảy sáng tác trong giai đoạn này, ngoài tiểu thuyết, truyện, ký, thơ, ta thấy xuất hiện cả trường ca, chuyển tải những đề tài mang chiều kích rộng lớn.

30 năm qua, trong dòng chảy văn học góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của TPHCM, các thế hệ nhà văn áo lính đã trưởng thành về đội ngũ và cả số lượng, chất lượng tác phẩm, góp phần làm phong phú diện mạo văn học đối với một thành phố lớn là trung tâm về nhiều mặt của cả nước.

Lam Giang

Tin cùng chuyên mục