Dấu ấn nông dân chân đất miền Hậu Giang

Cuối năm 2023, Hậu Giang sẽ tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 6 (năm 2009, sau khi chia tách từ Cần Thơ được 5 năm, tỉnh Hậu Giang “phát pháo” đầu tiên khi tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam).

Sau gần 15 năm, Festival lúa gạo Việt Nam chứng kiến sự đổi thay của nông dân Hậu Giang khi từng bước chuyên nghiệp, hiện đại hơn trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân lành nghề

Trung tuần tháng 8-2023, Hậu Giang đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2023-2028). Điểm lại những nét nổi bật nhiệm kỳ qua: năm 2019, Hội Nông dân tỉnh được Chính phủ tặng cờ xuất sắc phong trào thi đua; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao kết quả nhiệm kỳ qua và tặng 3 cờ dẫn đầu trong phong trào thi đua các năm 2018, 2019, 2020 và cả nhiệm kỳ 2018-2023; 6 cá nhân là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 13 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, lão nông Lê Hoàng Duyên (67 tuổi, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 nông dân đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ông Duyên được người dân ở xã Long Bình nể trọng vì cần cù làm ăn, vươn lên làm giàu và có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại địa phương. Hiện ông có ao diện tích 7,5ha nuôi cá thác lác, sặt rằn… cho thu hoạch khoảng 300 tấn cá/năm, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng.

Nông dân Hậu Giang đưa nhiều thiết bị hiện đại vào sản xuất lúa

Nông dân Hậu Giang đưa nhiều thiết bị hiện đại vào sản xuất lúa

Để có được thành công hôm nay, ông Duyên trải qua nhiều thăng trầm trong nghề. Hiện ông chuyển sang phương pháp ao nuôi có lót bạt, đầu tư cải thiện việc vận hành hệ thống thay nước bán tự động… nhằm giảm chi phí vệ sinh ao nuôi, tạo điều kiện để thu hoạch dễ dàng, giảm hao hụt… Ngoài chăm chỉ sản xuất, ông Duyên cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện như tặng quà học sinh nghèo tại các điểm trường trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí xây dựng, dặm vá cầu, đường nông thôn, lắp đèn chiếu sáng góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

Nếu ông Duyên là tỷ phú cá thác lác, thì ông Lê Văn Sáu (Sáu Bờ, 79 tuổi, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp) là tỷ phú sầu riêng. Ông Sáu là người theo nếp nghĩ “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, hơn 30 năm kinh nghiệm trồng sầu riêng. Từ 1ha ban đầu, đến nay diện tích trồng sầu riêng của ông Sáu Bờ đã “nở nồi” thành 5ha. Năm qua, ông Sáu Bờ thu về hơn 100 tấn sầu riêng, được thương lái ở Tiền Giang mua hết với giá 60.000 đồng/kg, thu về hơn 6 tỷ đồng, trừ chi phí vẫn còn lãi lớn. Ông Sáu Bờ cũng là một trong những nông dân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho tỉnh trong các hoạt động xây dựng cầu, đường… Ông vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba năm 2020; 3 lần nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và lọt vào danh sách 100 nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2022.

Tận dụng cơ hội vươn ra thế giới

Năm 2009, lão nông Bảy Quí (Lâm Ngọc Quang, ngụ huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là một trong số 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành trong cả nước được Bộ NN-PTNT tôn vinh và tặng bằng khen “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi” tại Festival lúa gạo lần 1. Ông Bảy Quí là một trong những nông dân tạo nên thương hiệu nông dân “miệt Ngàn” gắn liền với hành trình cây lúa Hậu Giang. Lão nông Bảy Quí là người đi tiên phong trong sản xuất, cung cấp giống lúa chất lượng cao và hướng dẫn hàng trăm nông dân canh tác hiệu quả.

Festival lúa gạo đầu tiên do tỉnh Hậu Giang tổ chức năm 2009 cũng như luồng gió mới khích lệ nông dân ấp ủ những sáng kiến.

Điển hình là lão nông Nguyễn Văn Sáng (Tư Sáng, ở TP Vị Thanh) tự nghiên cứu, sáng chế ra chiếc máy tự động xúc lúa trên sân giúp nông dân phơi và bảo quản lúa. Chiếc máy xúc lúa này cùng với máy xúc lúa lò sấy, máy cào lúa chuyển hướng như một “combo” hoàn hảo mà ông Tư Sáng tạo ra để giúp nông dân vùng Tây sông Hậu phơi, sấy, bảo quản lúa hiệu quả, nhất là vào mùa mưa. Các sản phẩm của lão nông Tư Sáng sau này được bán rộng từ Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp ra tận Quảng Ngãi…

Cuối năm 2023, Festival lúa gạo lần thứ 6 sẽ chứng kiến sự đổi thay của người nông dân Hậu Giang đang từng bước chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại hơn trong sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, sản phẩm chính của Hậu Giang là lúa gạo và trái cây. Năm 2009, Hậu Giang đã tổ chức Festival lúa gạo đầu tiên và năm 2023, kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang quyết tâm tổ chức sự kiện này trên tinh thần đột phá.

Những ngày này, nông dân Hậu Giang tất bật tăng diện tích sản xuất lúa thu đông (lúa vụ 3). Trong bối cảnh giá gạo trên thế giới đang tăng cao, mặt hàng lúa gạo đóng vai trò “bà đỡ” trong sản xuất nông nghiệp, đây là cơ hội doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng để đưa hạt gạo vươn xa, là cơ hội để giới thiệu với thế giới về sản phẩm lúa gạo Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định: “Festival lúa gạo Việt Nam được tổ chức vào cuối năm 2023 sẽ là cơ hội để định vị hạt gạo Việt Nam. Sản xuất lúa gạo theo chuỗi ngành hàng và gắn với tăng trưởng xanh. Festival là cơ hội để nông dân tiếp cận tư duy mới về sản xuất lúa gạo, những công nghệ tối ưu nhất nhằm nâng cao giá trị ngành hàng. Đây cũng là dịp để các viện, trường trưng bày những thành tựu mới nhất về công nghệ giống lúa”.

Tin cùng chuyên mục