Đẩy mạnh tái chế rác thải nhựa

Chất thải nhựa chiếm tỷ lệ 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt đang phát sinh. Đây là nguồn nguyên liệu sản xuất rất cần thiết của ngành nhựa, nhưng phần lớn bị chôn lấp cùng rác thải khác. Thực tế này không chỉ gây lãng phí nguồn nguyên liệu nhựa tái chế mà quan trọng hơn là gây ra ô nhiễm thứ cấp cho môi trường. 
Dây chuyền tái chế rác thải nhựa tại Công ty TNHH Nhựa tái chế Duy Tân
Dây chuyền tái chế rác thải nhựa tại Công ty TNHH Nhựa tái chế Duy Tân

Nắm bắt xu hướng

Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, cho biết, trước yêu cầu đòi hỏi của thị trường, đối tác quốc tế về việc phải tăng cường sử dụng các sản phẩm tái chế, từ năm 2012, công ty đã chủ động xây dựng 5 phân xưởng với dây chuyền công nghệ của châu Âu để thực hiện tái chế rác thải nhựa, công suất khoảng 20 tấn/ngày. Mỗi phân xưởng tái chế có mức đầu tư từ 20-25 tỷ đồng.

Nguồn cung để phục vụ tái chế chủ yếu là nhựa thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty và thu mua từ bên ngoài. Sản phẩm từ tái chế của công ty là túi ni lông tự phân hủy sinh học, thân thiện môi trường, cung cấp cho thị trường trong nước (các các siêu thị, trung tâm tương mại lớn) và xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản.

Cũng nắm bắt theo xu hướng này, Công ty TNHH Nhựa tái chế Duy Tân (công ty thành viên của Công ty CP Nhựa Duy Tân) đầu tư 60 triệu USD để xây dựng nhà máy tái chế rác thải nhựa tại tỉnh Long An với diện tích lên tới 65.000 m². Giai đoạn 1 (năm 2020), công ty đã đầu tư 20 triệu USD để xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị và cung ứng ra thị trường sản lượng nhựa tái chế lên đến 20.000 tấn/năm.

Theo kế hoạch đến năm 2022, công ty tiếp tục đầu tư thêm 20 triệu USD để nâng công suất sản xuất lên 60.000 tấn/năm. Ở giai đoạn cuối vào năm 2024, công ty sẽ nâng sản lượng sản xuất lên 100.000 tấn/năm. 

Theo ông Lê Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Duy Tân, hiện để có nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy tái chế, công ty đã xây dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý (chủ yếu là vựa ve chai các tỉnh thành phía Nam) đạt chuẩn, thực hiện thu mua, phân loại và đóng kiện các chai nhựa đã qua sử dụng. Ở giai đoạn 1 này, mỗi ngày, công ty thu mua 60 tấn vỏ chai đã qua sử dụng. Tính ra một năm, số lượng này khoảng 20.000-22.000 tấn, một con số góp phần không nhỏ cải thiện môi trường.

Trong kế hoạch, nhà máy nhựa tái chế sẽ sản xuất khoảng 100.000 tấn hạt nhựa mỗi năm khi đã hoàn thành giai đoạn 2, 3 và không chỉ dừng ở nhựa PET như giai đoạn 1 mà còn có cả nhựa PP, HDPE. Lúc đó sẽ có thêm rất nhiều vỏ chai nhựa và nhiều sản phẩm khác từ nhựa, như bàn ghế, tủ quần áo… sẽ được thu gom và tái chế; qua đó giảm thiểu lượng nhựa nguyên sinh để sản xuất sản phẩm mới. Hiện Duy Tân đang đang cung cấp sản phẩm bao bì tái chế cho các đối tác quốc tế ngành hàng mỹ phẩm. 

Thị trường tiềm năng

 Theo các chuyên gia môi trường, xử lý chất thải nhựa bằng phương pháp tái chế được đánh giá là thiết thực, hiệu quả, đạt mục tiêu kép vừa giải quyết được vấn đề rác thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng được xem là thị trường khá tiềm năng. Tuy nhiên, để kích hoạt được thị trường này còn nhiều vấn đề mà Việt Nam cần phải tính tới.

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, nhấn mạnh, trước mắt cần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đây là nền tảng cơ sở để thay đổi thói quen của người dân từ phân loại tự phát như hiện nay thành phân loại có mục đích; từ đó cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định phục vụ cho các hoạt động tái sinh, tái chế. Công ty hiện đã ký kết hợp tác chiến lược với Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam). Theo đó, hai bên đã đặt ra tham vọng đến năm 2030 tất cả bao bì nhựa đưa ra tiêu thụ sẽ được thu gom và tái chế. 

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu tái chế ở mức 35-50%/năm, các DN có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Như vây, ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn.

Trao đổi về lĩnh vực này, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế phát triển hoàn toàn, cũng cho rằng, tái chế rác thải nhựa là một xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Đây là một thị trường có giá trị lớn và nhiều tiềm năng. Đẩy mạnh tái chế rác thải nhựa sẽ giúp DN giảm nguyên liệu đầu vào và giúp giảm chi phí, nâng cao giá trị cũng như hình ảnh của DN trong mắt các đối tác. Về mặt môi trường, thực hiện tái chế sẽ góp phần quan trọng để giảm thiểu lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ra môi trường. Đây là nguyên nhân khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay. 

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, để thúc đẩy vấn đề này, các cơ quan chức năng liên quan cần có quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm nhựa thải dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường.

Cùng với đó, cần sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế, thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm nhựa thải để kết nối hệ sinh thái rác thải nhựa - tái chế - tái sử dụng.

Tin cùng chuyên mục