Tiền thưởng bóng đá nam nhiều hơn nữ vì phụ thuộc nhà tài trợ
Bộ trưởng khẳng định quan điểm, có sức khỏe là có tất cả, nên khi sửa luật, Bộ VH-TT và DL đã tập trung để làm bật lên vấn đề thể thao quần chúng, với mong muốn sau khi có luật thì phong trào thể thao quần chúng sẽ được đẩy mạnh. Nhiều người dân sẽ tham gia TDTT hơn.
Bộ trưởng cho rằng, những ý kiến của ĐBQH rất đúng, cần phải làm rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường, gia đình, từng người dân trong phát triển phong trào thể thao quần chúng.
“Muốn có phong trào mạnh phải có các thiết chế thể thao, nhưng đó lại là vấn đề còn vướng với những quy định hiện hành về tín dụng, đất đai, chính sách ưu đãi… Vì vậy, Ban Soạn thảo sẽ tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật phù hợp nhất”, Bộ trưởng cho biết.
Với thể thao thành tích cao, Bộ trưởng đồng ý phải có chế độ chính sách thỏa đáng. “Vừa qua chưa có chế độ gì nhiều, các VĐV phải tự bỏ tiền đi nước ngoài luyện tập rất vất vả và thi đấu để mang vinh quang về cho đất nước, nhưng chính sách cho họ thì không có nhiều. Nhiều VĐV có hoàn cảnh rất khó khăn. Vì vậy, lần này luật phải có chính sách thỏa đáng”, Bộ trưởng cho hay.
Về những bức xúc của các ĐBQH rằng có sự phân biệt chính sách đối với VĐV nam và VĐN nữ, thể hiện rõ nhất qua câu chuyện của bóng đá nam, bóng đá nữ thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay, chính sách thì không phân biệt VĐV nam, VĐV nữ. “Nhưng tiền thưởng thì phụ thuộc vào các nhà tài trợ, nên mới có chuyện đội tuyển bóng đá nam được thưởng nhiều hơn. Điều này phải thay đổi quan niệm của xã hội, đồng thời Ban Soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu để thiết kế luật cho phù hợp”, Bộ trưởng cho biết.
Trước đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bình Dương) và nhiều ĐB khác đưa ra câu chuyện về niềm vui-nỗi buồn của bóng đá nam, bóng đá nữ vừa qua để khẳng định, cần bảo đảm công bằng về chính sách đối với VĐV nam và nữ.
Đặt cược thể thao: Thật dễ, nếu không quản được thì cấm!
Về vấn đề đặt cược thể thao còn ý kiến chưa thống nhất, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói thời gian qua, thực tế này đã du nhập từ quốc tế vào Việt Nam. Chính phủ đã cho phép thí điểm đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Khi thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị đưa vào luật với quy định chặt chẽ, nhưng cũng có nhiều ý kiến thận trọng đề nghị chưa nên đưa vào luật. “Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát vấn đề này trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm phù hợp với thực tế xã hội cũng như cơ sở pháp lý”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.
Trước khi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giải trình, phát biểu của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phân tích, đặt cược thể thao là vấn đề nhạy cảm, còn nhiều ý kiến bất đồng. Thực tế thì cá cược thể thao đã diễn ra, dù không cho phép. “Tôi dù cả đời không biết gì về cờ bạc nhưng thiết nghĩ Quốc hội phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Cá cược thể thao có lẽ là một thú vui, dĩ nhiên thú vui này sẽ bị xấu đi khi cờ bạc, ăn thua có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hôi vì thế nó cần quản lý. Chúng ta không ủng hộ cờ bạc nhưng cần ủng hộ quản lý thú vui của người đời để nó đừng bị xấu đi, không bị biến tướng, bị bỏ rơi không quản lý…”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói.
Theo ông, chúng ta đã thí điểm đua ngựa, đua chó, đặt cược bóng đá quốc tế, nhưng mới chỉ ở dạng Nghị định. Chúng ta cần đưa vào luật. Không biết bao giờ mới sửa luật, vì thế lần này nên đưa vào luật, như đa số ý kiến thành viên Chính phủ đã đồng ý. Nhưng chỉ giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động TDTT được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
“Thật dễ cho chúng ta, cho cả ĐBQH khi khó thì bỏ qua, không quản được thì cấm. Nhưng đừng để thực tế vẫn diễn ra một cách lén lút vì không có luật điều chỉnh. Xin đừng để vấn đề cá cược thể thao phải dẫm chân tại chỗ hàng thập kỷ nữa. Nếu có luật chúng ta sẽ quản lý tốt hơn, lại thu được thuế. Quốc hội cũng cần phải kiến tạo để có một Chính phủ kiến tạo", ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu một cách tha thiết.
Trước khi kết thúc phần phát biểu của mình, ông tiếp tục nhấn mạnh đây là vấn đề nhạy cảm, Quốc hội cần xem xét thận trọng. Ông cũng mong muốn báo chí cần thông tin đầy đủ tinh thần ý kiến của ĐBQH để xã hội hiểu rõ về vấn đề này.
Cán bộ, lãnh đạo đi đánh golf, chơi thể thao là quyền của họ
ĐB Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận có ý kiến đáng chú ý khi cho rằng, thực tế đang có vấn đề, nếu như người dân tham gia thể thao thì được, nhưng cán bộ, công chức mà tham gia thì sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc lại đi TDTT. “Cần phải khẳng định quyền tham gia hoạt động TDTT rèn luyện sức khỏe là quyền của mỗi người. Nếu luật chưa thể hiện thì cần phải quy định để cho cán bộ công chức, nhất là lãnh đạo có đi đánh golf hay chơi thể thao gì thì yên tâm, bởi đây là quyền của họ”, ông Việt nói.