Theo lịch trình, từ ngày 3-5 đến ngày 20-5, các cuộc tiếp xúc với cử tri sẽ được tổ chức để ứng cử viên vận động bầu cử. Với kinh nghiệm tham gia hoạt động QH 2 nhiệm kỳ (khóa XI và khóa XII), ĐBQH Nguyễn Đình Xuân chia sẻ nhiều kinh nghiệm với phóng viên Báo SGGP.
- PV: Được biết ông được bầu làm ĐBQH khóa XI vào năm 31 tuổi và là ĐBQH nam trẻ tuổi nhất ở thời điểm đó. Trẻ có những ưu điểm và nhược điểm gì trong hoạt động QH?
Ông NGUYỄN ĐÌNH XUÂN: Tuổi trẻ nói chung là có nhiệt huyết, sức khỏe, nhanh nhạy tiếp thu cái mới nhưng lại ít kinh nghiệm thực tiễn. Thực ra thì trước đó tôi cũng đã tham gia HĐND tỉnh Tây Ninh (từ năm 27 tuổi, là đại biểu trẻ nhất-PV) nên cũng đã có chút ít kinh nghiệm hoạt động dân cử. Nhưng cũng phải nói thật là khi bước vào Hội trường Ba Đình lúc đó, tiếp xúc với những “cây đa, cây đề” và cân nhắc những vấn đề trọng đại của đất nước, ban đầu tôi cũng có những bỡ ngỡ nhất định. Để có thể đưa ra và bảo vệ được ý kiến của mình (đôi khi khác với nhiều ĐB khác) quả thực không đơn giản, nhất là đối với một ĐB trẻ.
- Ông đã vượt qua những bỡ ngỡ đó như thế nào?
Nhanh chóng đọc và học hỏi những kiến thức mới, kinh nghiệm từ người đi trước, từ các nhà chuyên môn có uy tín, từ cử tri. Và tôi bắt đầu bằng những vấn đề cụ thể, không to tát nhưng thiết thực, những gì mình đã nắm tương đối vững hoặc những nguyện vọng chính đáng của cử tri, được dư luận quan tâm.
- Có vẻ như một trong những thiệt thòi của ĐBQH trẻ là buộc phải “già trước tuổi”, tức là “trẻ người” nhưng không được “non dạ”?
Cũng có thể nói như vậy. Dù là trẻ hay già, kỹ sư hay tiến sĩ thì đều có một nút biểu quyết có giá trị ngang nhau. Mỗi đề xuất, đóng góp của ĐBQH chỉ trở thành hiện thực khi thuyết phục được hơn một nửa thành viên QH và trước đó phải thuyết phục cho được chủ tịch đoàn để được đưa ra bàn bạc, biểu quyết. Làm được như vậy rõ ràng không đơn giản, và bảo vệ cho được những đề xuất mang tính đột phá, thậm chí khác biệt với ý kiến của lãnh đạo lại càng khó hơn nữa. Nhưng đó không phải là điều không thể làm được.
- Ông gửi gắm điều gì đến các ứng cử viên ĐBQH khóa XIII sắp bắt đầu chương trình vận động bầu cử?
Hãy tâm niệm rằng mình đang xung phong đảm nhận một công việc vinh dự nhưng đầy khó khăn, phức tạp. Công việc của một ĐB đòi hỏi nhiều tố chất, trong đó có kỹ năng giao tiếp với cử tri, kỹ năng phát biểu trước QH và cả lòng can đảm nữa. Sự thật mất lòng mà.
- Ông có thể nói rõ thêm về kỹ năng giao tiếp, vận động cử tri?
Trên thực tế thì các cuộc vận động bầu cử ở nước ta hiện nay rất ít yếu tố tranh cử, vì thế không có nhiều cơ hội để các ứng cử viên tự thể hiện mình trước cử tri. Nhưng theo tôi thì nên tự đặt mình vào vị trí cử tri để xem họ mong muốn điều gì và nói trúng vào những điểm nóng đó. Chẳng hạn như bản thân mình là quan chức, người ta hay nói về những việc mình sẽ làm với tư cách là quan chức hơn là nhiệm vụ của ĐBQH. Thường thì không ai muốn nói chuyện chống tham nhũng nhưng đó lại là chuyện cử tri đặc biệt quan tâm.
Công việc thì nhiều nhưng lời hứa phải là những điều mà mình có thể làm được đến nơi đến chốn. Khi vận động bầu cử QH khóa XII, ngoài việc cam kết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tôi đã hứa với cử tri sẽ chú trọng các vấn đề về tài nguyên môi trường, bảo vệ rừng, bảo vệ người nghèo, người yếu thế trong xã hội... Đó là những việc mà tôi đã nghiên cứu kỹ và cố gắng theo đuổi đến cùng.
Bảo Vân thực hiện