ĐBQH Phạm Thị Loan: Thể hiện bản lĩnh đại biểu

Hôm nay sẽ diễn ra Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 do Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Sau hội nghị này, danh sách người ứng cử sẽ được chốt lại. Làm thế nào để đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là một trong những vấn đề được công luận quan tâm. ĐBQH Phạm Thị Loan, người đã được Đại sứ quán Đan Mạch trân trọng trao tặng “Ngọn đuốc vì sự bình đẳng giới”, dành cho báo SGGP cuộc trao đổi thẳng thắn xung quanh vấn đề này.
ĐBQH Phạm Thị Loan: Thể hiện bản lĩnh đại biểu

Hôm nay sẽ diễn ra Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 do Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức. Sau hội nghị này, danh sách người ứng cử sẽ được chốt lại. Làm thế nào để đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là một trong những vấn đề được công luận quan tâm. ĐBQH Phạm Thị Loan, người đã được Đại sứ quán Đan Mạch trân trọng trao tặng “Ngọn đuốc vì sự bình đẳng giới”, dành cho báo SGGP cuộc trao đổi thẳng thắn xung quanh vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa bà, trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đề ra mục tiêu số một là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, nhiều khóa gần đây, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thường không đạt chỉ tiêu mong muốn.

* Bà PHẠM THỊ LOAN:
Đúng là tỷ lệ nữ ĐBQH luôn thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Tôi được biết lần này, sau hiệp thương lần thứ 2, tỷ lệ nữ ứng cử viên đạt 31,12% nhưng không đồng đều ở các địa phương. Chẳng hạn như ở Hà Nội tỷ lệ này chỉ khoảng 21%. Như vậy, sau hiệp thương lần thứ 3 và sau bầu cử, tôi e rằng tỷ lệ nữ trong Quốc hội khóa XIII cũng khó lòng đạt mức 30%.
 

ĐBQH Phạm Thị Loan tại một kỳ họp QH khóa XII. Ảnh: MINH ĐIỀN

ĐBQH Phạm Thị Loan tại một kỳ họp QH khóa XII. Ảnh: MINH ĐIỀN

* Vậy theo bà, cần có giải pháp nào để nâng tỷ lệ nữ ĐBQH?

* Tôi nghĩ ngay từ khâu giới thiệu ứng cử viên đã phải chú trọng đến vấn đề này. Thực ra số phụ nữ tham gia ứng cử không phải là ít, nhưng vấn đề là làm thế nào để lựa chọn, giới thiệu được những người có khả năng trúng cử cao. Đại biểu nữ trẻ cũng là tốt, nhưng trẻ, theo tôi, cũng nên khoảng 35 - 40 tuổi, khi đó mới đủ độ chín và khẳng định được uy tín, vị thế.

Mặt khác, tôi cho rằng việc một ĐBQH có thực hiện tốt trách nhiệm của mình hay không phụ thuộc chủ yếu vào tố chất cá nhân, vào sự hiểu biết và bản lĩnh của người đó. Nếu quá coi trọng một số điều kiện khác như hiện nay (đơn cử như với ứng cử viên là nữ doanh nhân thì doanh nghiệp của người đó phải đạt được một số điều kiện nhất định về quy mô, thành tích sản xuất kinh doanh…) thì khó chọn.

Vừa qua, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cũng đã tổ chức loạt hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu QH và vấn đề bình đẳng giới” khá bổ ích, giúp cho các ứng cử viên nữ tự tin hơn, có thêm những kỹ năng cần thiết để vận động bầu cử. Nhưng dường như những nỗ lực đó vẫn chưa đủ. Hy vọng là khi hiệp thương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ lưu ý điều này.
 
* Là một nữ đại biểu QH được đánh giá là xông xáo và ghi được nhiều dấu ấn trong nhiệm kỳ hoạt động của mình, bà có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm với các nữ ứng cử viên sắp bước vào nghị trường QH?

° Tất nhiên là không thể chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức mà bản thân các ứng cử viên nữ cũng cần nỗ lực tự chuẩn bị cho mình về hiểu biết xã hội, bản lĩnh chính trị… Còn khi đã trở thành ĐBQH, tôi không thấy có khoảng cách nào với các ĐB là nam giới, chỉ nghĩ là cố gắng cao nhất để làm tròn vai, xứng đáng với lòng tin của cử tri.

BẢO VÂN thực hiện

Trong hai ngày 13 và 14-4, tại Vĩnh Long, Ủy ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và việc thúc đẩy bình đẳng giới”.

Tại hội thảo, các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII đã được các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội có nhiều kinh nghiệm truyền đạt những kiến thức và kỹ năng cần thiết về chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội; pháp luật về bình đẳng giới và vai trò của nữ đại biểu Quốc hội; một số thông tin cơ bản về tình hình kinh tế, xã hội đất nước. Mặc dù Việt Nam là nước có tỷ lệ nữ nghị sĩ tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng nhiều khóa gần đây, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội thường không đạt chỉ tiêu mong muốn (từ 30% trở lên). Chỉ trong khóa XI là 27,3% và khóa XII là 25,76%.

A.THƯ

Tin cùng chuyên mục