Đề nghị bác kháng cáo của vợ chồng Nguyễn Thái Luyện

Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho rằng, bị cáo Nguyễn Thái Luyện giữ vai trò chính, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng còn bị cáo Võ Thị Thanh Mai là người giúp sức tích cực cho bị cáo Luyện. Vì thế, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX không chấp nhận giảm nhẹ hình phạt của vợ chồng bị cáo Luyện và đề nghị tuyên y án sơ thẩm.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa

Ngày 15-5, TAND Cấp cao tại TPHCM tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty địa ốc Alibaba. Phiên tòa bước vào phần tranh luận.

Tại tòa, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho biết, có 3 bị cáo tự rút đơn kháng cáo tại phiên phúc thẩm nên Viện đề nghị đình chỉ xét xử với các bị cáo này. Trong quá trình diễn ra phiên tòa, một số bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt đã nộp số tiền 10-50 triệu đồng. Xét thấy đây là tình tiết mới nên Viện KSND Cấp cao đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt với các bị cáo này.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho biết, trong vụ án này bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) giữ vai trò chính, gây ra hậu quả đặc biệt lớn. Trừ các tài sản bị kê biên, bị cáo Luyện còn phải khắc phục hơn 800 tỷ đồng nên mức án cấp sơ thẩm tuyên là đúng người, đúng tội.

Với bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, vợ bị cáo Luyện) được xác định đã giúp sức tích cực cho bị cáo Luyện. Về tội “Rửa tiền”, bị cáo Mai vẫn chưa nộp số tiền 12 tỷ đồng nên không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt.

Vì thế, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX không chấp nhận giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Luyện và bị cáo Mai, đề nghị tuyên y án sơ thẩm. Đối với các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không khắc phục hậu quả, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM cho rằng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Nhóm bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Nhóm bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Ngoài ra, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của 31 bị hại yêu cầu tăng mức bồi thường so với bản án sơ thẩm đã tuyên. Đối với các bị hại có yêu cầu nhận đất, yêu cầu nhận lãi suất ngân hàng từ khi tài sản bị kê biên, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM nhận định không có cơ sở chấp nhận với kháng cáo này.

Trước đó, cuối tháng 3-2023, TAND Cấp cao tại TPHCM đã hoãn phiên xét xử phúc thẩm vụ án này, do vắng mặt nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo.

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Alibaba đã thành lập 22 công ty trực thuộc Alibaba, giao những người thân trong gia đình hoặc thân tín làm người đại diện pháp luật của các công ty, sau đó tổ chức mua số lượng lớn đất nông nghiệp.

Nguồn tiền mua đất nông nghiệp được huy động từ chính khách hàng bằng cách dùng pháp nhân của Công ty Alibaba và các công ty cùng hệ thống, tự lập ra nhiều dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, đưa ra các thông tin không có thật như đây là các dự án có tính pháp lý đầy đủ, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất nền dưới dạng thổ cư để huy động tiền từ khách hàng.

Tại phiên xử sơ thẩm, TAND TPHCM tuyên phạt Nguyễn Thái Luyện tù chung thân, Võ Thị Thanh Mai 30 năm tù, Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) 27 năm tù, Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) 17 năm tù... Sau bản án sơ thẩm, 18 bị cáo, trong đó có Luyện nộp đơn kháng cáo. Sau đó, có 3 bị cáo rút đơn kháng cáo.

Tin cùng chuyên mục