Vừa qua, dư luận có nhiều hoài nghi về việc tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia, nhất là về đề thi năm 2019. Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đã có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tổ chức kỳ thi HSG từ năm 2015 đến năm 2017. Cụ thể như tại một số địa phương, người đề xuất thi và hội đồng ra đề thi lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố. Trong khi đó, số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi HSG khá ít nên dễ thiếu khách quan và có thể lộ đề. Kết quả việc kiểm tra xác suất chấm lần 1 của 27 bài thi HSG năm 2017 cho thấy, giám khảo chưa chấm bài thi độc lập theo quy định, việc cộng điểm trên bài thi không đúng. Qua kiểm tra xác suất 4 bài thi có điểm thay đổi sau khi phúc khảo, biên bản tổ chấm ghi không đúng với thực tế của việc tăng điểm bài thi...
Những kết quả thanh tra đó dường như chỉ mới đề cập được vấn đề về mặt kỹ thuật của kỳ thi HSG quốc gia, dù điều đó cũng đã khiến nhiều người mang hoài nghi, bức xúc suốt trong thời gian dài vừa qua. Nhưng đáng quan tâm hơn là nỗi lo áp lực mà các cuộc thi HSG mang lại. Nhiều người thậm chí đã gọi thẳng tên, các cuộc thi HSG chính là minh chứng rõ nhất cho bệnh thành tích trong trường học. Bởi để có kỳ thi cuối cùng là HSG quốc gia nhằm chọn ra những nhân tố xuất sắc nhất cho thi Olympic quốc tế, học sinh cuối cấp giỏi ở các trường học phải trải qua các cuộc thi HSG cấp trường, quận, tỉnh - thành phố, từ đó chọn ra đội tuyển HSG quốc gia. Đặc biệt, thi chọn HSG quốc gia là cuộc đua đội tuyển vô cùng căng thẳng, mệt mỏi ở các trường chuyên. Một số nơi mời giáo viên, chuyên gia trong tổ ra đề thi về để ôn luyện cho “gà nòi” của địa phương mình, tạo nên sự không công bằng, thiếu minh bạch cho kỳ thi cấp quốc gia, gây thiệt thòi cho những nơi không có điều kiện ôn luyện “gà nòi”.
Một câu chuyện cũng thường được nhắc đến là các em học sinh tham gia đội tuyển bồi dưỡng đi thi đấu thường chỉ giỏi một môn và được tập trung đào tạo xuyên suốt từ cấp 2 lên cấp 3 - một chiến dịch dưỡng “gà nòi” dài hơi. Hệ quả là các em chỉ biết một môn duy nhất, các kiến thức xã hội còn lại vô cùng kém. Trong khi đó, chúng ta đang hướng tới xu thế giáo dục mở, càng không nên cổ súy cho việc đào tạo học sinh trở thành “gà nòi” giỏi một môn học, các môn khác bị coi nhẹ. Từ thực tế hiện nay, đã có một số ý kiến đề nghị cần xem xét khâu tổ chức thi HSG các cấp; có nên tiếp tục duy trì để tạo áp lực cũng như trở thành mảnh đất màu mỡ cho bệnh thành tích hay không? Nếu mục tiêu là để chọn học sinh xuất sắc đi thi quốc tế thì nên chăng học cách mà nhiều quốc gia đang làm trong việc lựa chọn tinh hoa để đi thi đấu quốc tế. Đó là do các tổ chức độc lập đứng ra tuyển chọn bằng hình thức học sinh tự nguyện nộp đơn đăng ký và tham gia thi các bài tổ hợp. Việc học, nghiên cứu kiến thức được các em và giáo viên hướng dẫn tự thực hiện tại trường, không có mối liên hệ nào với phía ban tổ chức cho đến khi công bố đề thi và điểm thi. Hoặc nếu chưa thể trông chờ vào các tổ chức độc lập thì vẫn thi HSG quốc gia, nhưng phải bảo đảm kỳ thi minh bạch, chấm và công bố điểm ngay tại chỗ, hạn chế tối đa yếu tố can thiệp từ con người vào điểm số và tính bảo mật của đề thi.
Bộ GD-ĐT cho rằng, trong khoảng 10 năm trở lại đây, kết quả thi chọn HSG quốc gia, dự thi Olympic khu vực quốc tế hàng năm phản ánh đúng chất lượng dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi của các địa phương trên phạm vi toàn quốc, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ở các nhà trường phổ thông, góp phần quan trọng đối với việc triển khai Đề án trường THPT chuyên và thực hiện mục tiêu chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Các kỳ thi chọn HSG quốc gia hàng năm đồng thời làm tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Trong 5 năm liên tục từ 2014 - 2018, các đoàn học sinh giỏi Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng huy chương theo hướng kết quả năm sau cao hơn năm trước…
Rõ ràng, không ai phủ nhận kết quả đó. Nhưng con đường đi tới cái đích đó với những hoài nghi về các kỳ thi HSG thiếu công bằng, minh bạch, gây áp lực, bệnh thành tích... là điều mà Bộ GD-ĐT phải sớm khắc phục. Bởi nhiều ý kiến ngay trong ngành giáo dục cũng nhấn mạnh, chừng nào chúng ta vẫn lấy kết quả thi HSG để đánh giá năng lực, ghi nhận thành tích giúp cho học sinh được cộng điểm, được ưu tiên…vào các trường đại học thì chúng ta vẫn đang vô tình tiếp tay cho bệnh thành tích được duy trì. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần sớm xem xét toàn diện các khía cạnh của công tác thi chọn HSG để tiếp tục đổi mới công tác thi chọn HSG cấp quốc gia, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của các cơ sở GD-ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Cùng với xem xét lại những quy định có thể khiến cho thi HSG trở thành áp lực, chạy đua thành tích, ngành giáo dục cũng cần sớm có chính sách để tiếp tục hỗ trợ, phát huy những HSG quốc gia, quốc tế có tố chất nổi trội để các em có môi trường phát triển tố chất của mình. Thay vì chỉ với chính sách cộng điểm cho các em, nên chăng cần có chính sách “đặt hàng” nghiên cứu để khích lệ các em tiếp tục phát huy khả năng của mình sau khi đoạt giải HSG quốc gia, quốc tế. Tài năng phải được thể hiện thành sản phẩm, có đóng góp cụ thể và được tôn vinh xứng đáng. Còn nếu chỉ dừng ở những cuộc luyện “gà nòi”, đi thi lấy thành tích xong về để đó thì vô cùng lãng phí tài nguyên quốc gia.