Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã có kết luận thanh tra tình trạng để thiếu điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hội đồng thành viên và Ban tổng giám đốc EVN đã bị đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định.
Theo kết luận thanh tra, nguyên nhân của những tồn tại, khuyết điểm là đã để xảy ra tình trạng cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý, kết luận của Bộ Công thương không chỉ đề nghị xem xét xử lý mỗi EVN, mà còn yêu cầu xử lý hoặc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với hàng loạt đơn vị, tập đoàn có liên quan đến hoạt động cung cấp điện, như Tổng Công ty Điện lực TKV, Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và than.
Trong các vi phạm dẫn đến thiếu điện thì vi phạm nổi cộm mà Bộ Công thương chỉ ra là EVN cùng các đơn vị liên quan đã chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện, mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện, không chấp hành nghiêm kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện, dẫn đến bị động, giảm dự phòng an ninh năng lượng…
Theo một số chuyên gia hiểu rõ ngọn nguồn về điện, tình trạng thiếu điện ở miền Bắc do hạn hán kéo dài đợt vừa qua là có thật, kết hợp một số nhà máy nhiệt điện ở miền Bắc gặp sự cố (càng nắng nóng càng có nhiều sự cố), dẫn đến phải cắt điện luân phiên diện rộng. Nhưng, sự cố nhiệt điện chỉ là chuyện nhỏ (có thể xử lý được), thủy điện thiếu nước do El Nino cũng đã được tính toán trong kịch bản.
Lẽ ra miền Bắc sẽ không thiếu điện nếu các dự án nguồn điện, lưới điện truyền tải được triển khai đúng tiến độ của Quy hoạch điện 6 và 7, đồng thời Quy hoạch điện 8 ra đời sớm hơn.
Bởi theo quy hoạch, cả nước sẽ có 426 nhà máy điện với tổng công suất lên tới 79.000MW, trong khi công suất đỉnh của những ngày lập kỷ lục nắng nóng cũng chỉ đạt gần 40.000MW. Tức là mới chiếm một nửa. Nhưng vì sao vẫn thiếu điện? Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, EVN được giao xây dựng 21 nhà máy điện, tổng công suất 8.615MW (gồm các dự án lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu…) thì đến nay, về cơ bản đã hoàn thành yêu cầu.
Còn lại, chủ yếu giao cho các nhà đầu tư ngoài EVN đầu tư đến năm 2023 với khoảng 110 nhà máy điện, tổng công suất khoảng 33.000MW, nhưng đến nay mới đưa vào vận hành được khoảng 8.000MW, còn lại khoảng 30-40 nhà máy với tổng công suất khoảng 26.000MW chưa được xây dựng.
Trong đó, riêng tại miền Bắc có 27 dự án, tổng công suất 7.800MW, chưa xây dựng. Đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện ở miền Bắc. Theo các chuyên gia, nếu các dự án đó đúng tiến độ thì ngay cả nhà máy thủy điện xuống mực nước chết, vẫn không thiếu điện.
Tại sao các dự án lại chậm tiến độ? Trách nhiệm giám sát, tháo gỡ khó khăn của đơn vị giám sát thế nào?... Vì vậy, việc thanh tra tình hình quản lý và điều hành cung cấp điện, nếu Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan kiểm toán thực hiện, thì có lẽ trách nhiệm để thiếu điện được chỉ ra trong các kết luận thanh tra, không chỉ có EVN, PVN, TKV…
Việc kiểm điểm, xử lý nghiêm các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan đến cung cấp điện, để thiếu điện là cần thiết. Bởi điện không chỉ là năng lượng thiết yếu để duy trì sản xuất và sinh hoạt, mà còn gắn liền các mặt của an ninh năng lượng.
Điều đáng nói, nhiều dự án cũ vẫn chậm tiến độ, nhưng trong 5 năm gần đây, hầu như không có thêm dự án nào được bổ sung, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện ngày càng tăng cao song hành với tăng trưởng kinh tế. Điều này cảnh báo, nếu không tìm được giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án nguồn và hệ thống truyền tải điện, thì tình trạng thiếu điện sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới, mức độ còn căng thẳng hơn.