
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa-Thông tin có kế hoạch lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quan họ là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Quyết định này khẳng định giá trị của văn hóa quan họ, đồng thời là niềm tự hào và vinh dự to lớn của nhân dân vùng Kinh Bắc.

Những cô gái quan họ.
Văn hóa quan họ thuộc văn hóa truyền khẩu. Cũng như nhã nhạc và cồng chiêng, nó có nhiều ưu thế khoa học để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Nhà nước ta đánh giá quan họ hội đủ yếu tố nghệ thuật và đạt một trong các yêu cầu lớn, đó là loại hình nghệ thuật dân gian được nhiều cư dân trong cộng đồng sử dụng. Nếu muốn lưu truyền cho các thế hệ sau thì phải bảo tồn, sàng lọc, giữ gìn di sản nhằm đáp ứng yêu cầu văn hóa nhân loại.
Trước khi đề nghị thế giới công nhận là di sản chung, chúng ta cần xác định rõ quan họ là di sản văn hóa của chúng ta, thế giới không đâu có loại hình này. Nước ta là một bộ phận của thế giới và bảo vệ di sản của ta là bảo vệ di sản thế giới.
Bộ VHTT đã giao cho UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì việc lập hồ sơ, bởi đa số làng quan họ (vùng Kinh Bắc) nằm ở Bắc Ninh. Sở VHTT Bắc Ninh tổ chức các cuộc gặp gỡ nghệ nhân, các thế hệ còn đang “chơi quan họ” để giúp các nhà nghiên cứu sưu tầm, biên soạn vốn cổ của quan họ.
Mục tiêu của Bộ VHTT là cần phải chứng minh để UNESCO thấy được giá trị văn hóa quan họ xứng đáng là di sản văn hóa thế giới chứ không phải phấn đấu để trở thành di sản thế giới. Hai năm UNESCO mới xét công nhận di sản thế giới một lần, mỗi quốc gia cũng chỉ được xét 1 hồ sơ/lần. Vì vậy, các đơn vị tham gia lập hồ sơ quan họ đang khẩn trương và có sự đồng thuận lớn trong việc sưu tầm, biên soạn, ghi âm, ghi hình... để đầu năm 2006 Bộ VHTT tiếp nhận và hoàn tất kịp trình UNESCO tháng 9-2006.
Công việc triển khai lập hồ sơ đã bắt đầu từ tháng 2-2005. So với di sản cồng chiêng thì việc tiến hành thu thập thông tin về văn hóa quan họ có phần thuận lợi hơn. Trước hết, địa bàn tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc với 49 làng. Hơn nữa, quan họ cũng là đề tài của nhiều công trình nghiên cứu, của các nhà văn hóa, nhà khoa học nên không phải tiến hành thêm quá nhiều công trình nghiên cứu đi kèm nữa. Việc ghi chép, sưu tầm lại bài hát gốc cũng vậy, riêng tác giả Đoàn Thao đã sưu tầm và in thành sách hơn 300 bài quan họ lời cổ. Dựa vào những yếu tố có sẵn, tiến trình hoàn tất hồ sơ sẽ nhanh hơn.
Bên cạnh thuận lợi này, còn khá nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình đi thực địa. Vấn đề đâu là bài hát “gốc”, làn điệu “gốc”, đâu là làng quan họ “gốc” cũng tốn khá nhiều thời gian để có thể đi tới kết luận. Có nguy cơ những làn điệu quan họ cổ dần biến mất nếu không có giải pháp kịp thời. Một phần do các nghệ nhân đã quá già để có thể nhớ và hát lại theo phương thức truyền khẩu.
Phần khác là khi lớp trẻ học lại đã phát triển nó theo chiều hướng hiện đại. Họ không dùng giọng “mộc” với tiêu chí vang, rền, nền, nẩy mà hát bằng micro cùng nhạc đệm là đàn điện tử. Mỗi ngày, quan họ một khác đi, chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, và dễ dãi hơn trong việc trình diễn sân khấu hóa. Hơn nữa, quan họ là sinh hoạt văn hóa cộng đồng thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa người với người. Mối quan hệ này có niêm luật rất đặc trưng. Vì vậy, khi lập hồ sơ để UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới phải đủ luận chứng về “văn hóa quan họ”.
Hiện nay đã có cuộc gặp gỡ với hơn 200 nghệ nhân quan họ Kinh Bắc. Sắp tới, trong chương trình phục dựng, theo đúng lộ trình của đề án thì một số lớp học về quan họ cổ sẽ được tổ chức ngay tại Bắc Ninh. Việc lập hồ sơ vẫn đang tiếp tục, khẩn trương để kịp chỉnh trang và hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 9-2006.
THỦY - HÀ