Di sản và trách nhiệm

Có những dạng di sản được tạo ra từ trí tuệ, sức lực và trách nhiệm của con người, nhưng cũng có dạng di sản được thiên nhiên tạo nên. Tuy nhiên, xét cho cùng, không có bất cứ dạng di sản nào có thể tồn tại, phát huy nếu thiếu trách nhiệm của con người. Trách nhiệm có thể không phải là tiền đề tạo thành đối với mọi di sản, nhưng nếu thiếu nó, mọi di sản-không sớm thì muộn-đều có thể trở thành phế tích, bị hủy hoại bởi thời gian, lòng tham và cả sự thiếu ý thức.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích, di sản trên khắp mọi miền đất nước. Biết bao công trình văn hóa-lịch sử, di sản quý báu của đất nước đã được “cứu chữa” kịp thời trước nguy cơ bị hủy hoại theo thời gian và cả sự thiếu ý thức, vô trách nhiệm của một số người. Nhiều di sản thiên nhiên quý giá cũng đã được phát hiện, bảo tồn, phát huy và được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, cả nước ta hiện có hơn 7.300 di tích lịch sử-văn hóa-kiến trúc và các di sản thiên nhiên. Trong đó, hầu hết di tích, di sản đều cần được trùng tu, bảo tồn. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến năm 2008, Chính phủ đã đầu tư hơn 860 tỷ đồng để trùng tu, nâng cấp hơn 500 di tích. Đó là sự nỗ lực không nhỏ, nhưng so với nhu cầu chỉ là “muối bỏ biển”. Ước tính, nhu cầu trùng tu di tích, di sản chỉ mới được đáp ứng 15%-20%.

Hiện nay, vẫn còn không ít di tích, di sản đang bị lãng quên, bị trùng tu theo kiểu “đập phá sạch sẽ, làm mới hoàn toàn” hoặc bị khai thác quá mức. Một số trường hợp do cách hành xử không khoa học, thiếu trách nhiệm đã khiến nhiều di tích, di sản đứng bên bờ vực “phá sản”. Bãi tắm Cửa Tùng (Quảng Trị) là một trong những điển hình. Trong suốt hàng chục năm qua, bãi tắm này là điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài nước.

Thế nhưng, giờ đây bãi tắm Cửa Tùng bị biến dạng và đang đứng trước nguy cơ bị trôi ra biển (Báo SGGP số ra ngày 10-6 đã có bài phản ánh). Vấn đề dư luận đang đặt ra là cần thực hiện gấp một cuộc khảo sát, nghiên cứu khoa học đánh giá chi tiết về sự tác động lên môi trường tự nhiên nhằm sớm tìm ra nguyên nhân. Bên cạnh đó, cần xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể trong việc phê duyệt dự án, khảo sát tác động môi trường. Nhưng quan trọng hơn hết là phải nhanh chóng tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm “cấp cứu” một trong những bãi tắm đẹp hàng đầu của nước ta.

Ngoài bãi tắm Cửa Tùng, hiện nay ở nước ta, hàng ngàn di tích, di sản đang hàng ngày, hàng giờ đối mặt với sự hủy hoại bởi thời gian và do chính bàn tay con người gây ra. Chỉ tính riêng tại Huế, trong số các di tích, di sản được công nhận ở cấp tỉnh và quốc gia, không ít di sản, di tích đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ngay cả di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình) nổi tiếng, sau một thời gian được đưa vào khai thác du lịch cũng gặp nhiều vấn đề tiêu cực về môi trường và bảo tồn.

Thực tế cho thấy, cách hành xử phổ biến lâu nay đối với phần lớn di tích, di sản là khai thác để phát triển, thậm chí khai thác theo kiểu tận thu. Yếu tố hiệu quả kinh tế áp đảo yếu tố trách nhiệm bảo tồn khiến nhiều di tích, di sản mất dần bản sắc vốn có.

Đối với các di tích, di sản, cách ứng xử phù hợp nhất vẫn là bảo tồn để phát triển, bởi bản sắc của nó - nếu không bảo tồn - sẽ vĩnh viễn mất đi. Một món đồ giả cổ chắc chắn không phải là đồ cổ, một di sản nhân tạo - dù kỳ vĩ đến đâu cũng không thể thay thế di sản mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Chúng ta đang thụ hưởng thành quả của tiền nhân để lại, thụ hưởng những kiệt tác của thiên nhiên, lẽ nào lại quên đi trách nhiệm?!

Đ. TUÂN

Tin cùng chuyên mục