Di tích khảo cổ quốc gia trong rừng ngập mặn

Đô thị Sài Gòn - TPHCM được biết đến như thành phố trẻ, với lịch sử hình thành hơn 300 năm. Thực tế, những khai quật và phát hiện gần đây tại di tích khảo cổ Giồng Cá Vồ (huyện Cần Giờ) cho thấy, sâu dưới những trầm tích, các di vật được giới khảo cổ phát hiện phản ánh lớp cư dân đầu tiên của thành phố đã có mặt cách đây hơn 3.000 năm.
Khai quật tại Giồng Cá Vồ

Khai quật tại Giồng Cá Vồ

1. Các di vật phát lộ trong quá trình khai quật không chỉ là nhiệm vụ tìm hiểu của giới nghiên cứu, dấu tích ngàn xưa còn đó như phần nào minh chứng về yếu tố hội lưu của đô thị TPHCM những ngày đầu hình thành và cảng thị sơ khai đã có mặt tại vùng ngập mặn Cần Giờ.

Tham gia vào quá trình khai quật di tích Giồng Cá Vồ từ những ngày đầu, TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, phân tích: Hệ thống di tích khảo cổ học ở Giồng Cá Vồ cho thấy, những nhóm cư dân cổ từng có mặt ở đây từ khoảng 3.000 năm trước, như nhóm cư dân cổ ở Bến Đò, Gò Cát (TP Thủ Đức), Gò Sao (quận 12), Rỏng Bàng (huyện Hóc Môn)… Đặc biệt, các di tích ở huyện Cần Giờ (cách nay khoảng 2.000 - 2.500 năm) có giá trị đặc biệt đối với lịch sử thành phố. Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy khu vực Cần Giờ thời cổ không phải là một vùng phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác trong thời đại kim khí.

Cư dân cổ nơi này có đời sống kinh tế khá đặc biệt là phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực Đông Nam Á hải đảo và xa hơn, bằng đường sông hướng vào Đông Nam Á lục địa, kết hợp hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên tại chỗ. Chính vì vậy, có thể cho rằng Cần Giờ khoảng 2.000 năm trước là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa. Họ tiếp nhận nhiều kỹ thuật và yếu tố văn hóa mới từ Ấn Độ, góp phần hình thành và phát triển văn hóa Óc Eo thời kỳ vương quốc cổ Phù Nam (thế kỷ I - thế kỷ VII) trên vùng đất Nam bộ. Di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ là di tích tiêu biểu cho những giá trị đặc biệt này.

2. Giồng Cá Vồ (thuộc địa phận ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa) là một giồng đất đỏ cao hơn bề mặt xung quanh trung bình khoảng 1,5m, được phát hiện và khai quật gần 30 năm trước.

Theo ghi nhận từ giới khảo cổ học, ở Cần Giờ tồn tại một hệ thống di tích khảo cổ phân bố trên hàng chục giồng đất đỏ, với tổng số 26 di tích được phát hiện và nghiên cứu. Những di tích này phân bố ven các con sông lớn như sông Hà Thanh, Bà Vú, Bãi Tiên (xã Long Hòa); sông Vàm Sát, rạch Gốc Tre Lớn (xã Lý Nhơn) và khu vực giồng cát cổ Cần Thạnh ven vịnh Gành Rái. Chính trên giồng đất đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những dấu tích của những cộng đồng cư dân đầu tiên trên vùng đất này, góp phần quan trọng tạo dựng nên môi trường sinh thái - nhân văn rất đặc thù ở đây, mà cho đến nay, khảo cổ học Việt Nam và thế giới ít phát hiện được một khu vực nào có tính chất tương tự: di tích khảo cổ trong vùng rừng ngập mặn.

Qua nghiên cứu cho thấy, những khu vực sâu hơn trong đất liền, như ở xã Lý Nhơn, có sự xuất hiện và cư trú sớm hơn của các cộng đồng cư dân cổ. Giồng nằm ở tả ngạn sông Hà Thanh (một nhánh của sông Dinh Bà), trên một gò cao được bao quanh bởi sông rừng ngặp mặn, phía ngoài là 2 con sông Dinh Bà và sông Hà Thanh được nối liền nhau. Xung quanh giồng là hệ thống rừng cây đước, thuộc hệ thống rừng ngập mặn của huyện Cần Giờ, được ban quản lý rừng phòng hộ quản lý.

Theo giới khảo cổ, với địa hình địa thế khá thuận lợi, gần cửa sông, cửa biển, nơi đây đã được các cộng đồng cư dân cổ lựa chọn là nơi tụ cư và tiến hành các hoạt động khai thác kinh tế khác. Trong quá trình phát lộ, bề mặt giồng xuất lộ dày đặc các dấu tích khảo cổ, đó là các mảnh gốm vỡ. Và khi đi sâu xuống các giồng đất, quá trình khai quật làm xuất lộ các di tích mộ táng, theo hình thức mai táng trong chum gốm, phản ánh một quan niệm về cái chết, việc ứng xử với người chết phong phú và đặc sắc. Trong quá trình sinh sống, người ta đã hình dung ra việc sử dụng những chiếc bình lớn hơn, làm những chiếc bình kích thước rộng và cao hơn để chứa di cốt, thi thể người chết.

Mỗi thành phố đều được hình thành từ một vùng đất có lịch sử lâu dài hơn lịch sử của thành phố đó, và đô thị Sài Gòn - TPHCM cũng vậy… Những di tích khảo cổ, di tích lịch sử là dấu xưa để người hôm nay tìm về những giá trị sơ khai ngàn năm, để bảo tồn và phát huy di sản tốt đẹp, tạo nên bản sắc cho chính mình trong muôn vàn những điều hội tụ và hội nhập của nhịp sống đương thời.

TS HOÀNG ANH TUẤN Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM: Giồng Cá Vồ mang nhiều giá trị về văn hóa

Quá trình phát lộ và khai quật di tích Giồng Cá Vồ, cổ vật phát hiện mang nhiều ý nghĩa và giá trị văn hóa, như hình thức mai táng mộ chum là một nét văn hóa rất độc đáo, mang ý niệm của con người với môi trường sống xung quanh, đó là ý niệm về một chiếc thuyền với môi trường sông nước, gắn với biển cả. Khi những hoạt động di chuyển hàng ngày của con người giữa môi trường xung quanh được tiến hành bằng những chiếc thuyền, bè, mảng đã đi vào tâm thức của con người, thì ý niệm đối với người chết cũng được thực hiện; với một chiếc chum gốm lớn, dạng hình tròn tượng trưng cho một chiếc thuyền gắn với người sống hàng ngày di chuyển trong môi trường sông nước.

Tin cùng chuyên mục