Đi tìm không gian kết nối

Dịu dàng và mạnh mẽ
Đi tìm không gian kết nối

Đầu tháng 3, TPHCM vẫn còn chút hương xuân nhẹ nhàng. Ra mắt 4 phòng tranh đầy ý nghĩa dành cho ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, các nữ họa sĩ đã khuấy lên chút sôi động trong làng mỹ thuật TP.

Tác phẩm “Tĩnh vật hoa” của Phan Thị Minh Châu.

Tác phẩm “Tĩnh vật hoa” của Phan Thị Minh Châu.

Dịu dàng và mạnh mẽ

Vẽ là giãi bày những suy nghĩ của hiện tại hay ký ức đã qua bằng những hình ảnh, đường nét, màu sắc. Dịu dàng và mạnh mẽ là hai cách thể hiện nổi bật chung nhất qua tranh Câu lạc bộ Nữ họa sĩ Hội Mỹ thuật TPHCM.

Xem tĩnh vật hoa, phong cảnh hoa người xem cảm nhận được những vẻ đẹp khác nhau, qua nhiều chất liệu phấn màu, sơn dầu, cắt giấy của tranh Hoàng Minh Hằng, Tạ Diệu Hương, Trà Giang, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Thị Liên, Thúy Mai, Tuyết Mai, Thanh Thảo, Mai Trâm, Oanh Oanh, Minh Tuyết…

Ở mảng tranh chân dung, Hoàng Tâm, Quỳnh Nga có cái nhìn khá trẻ trung và thể hiện tương đối mạnh mẽ. Bộc bạch xúc cảm dù thể hiện theo kiểu trừu tượng, bán trừu tượng hay tượng trưng, tranh Vương Ánh, Huyền Lam, Tú Chi, Thùy Linh, Thu Sương, Minh Tâm chứng minh được sự phong phú bút pháp của các nghệ sĩ.

Phòng tranh nữ họa sĩ Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM không kém phần rôm rả với sự “ra quân” đầu năm của thầy và trò, tại phòng tranh thuộc Trung tâm mỹ thuật ứng dụng. Mỗi bức tranh mỗi tâm tình! Ngô Túy Phượng thật đằm thắm, dịu nhẹ khi tiết chế những gợn buồn trong suy tư để thể hiện sự yên bình trong tâm hồn và ngoại cảnh qua sắc màu xanh hài hòa giữa Nước và cá.

Tranh Cao Thị Song mạnh mẽ qua bộ ba tấm tranh bán trừu tượng nhưng chất chứa Hồn quê bên cái lu nước và gáo dừa ở nông thôn. Đối diện, bức sơn mài Nữ tu của Mai Tú Quỳnh có màu sắc hài hòa, thể hiện khá sinh động gương mặt, thần thái các nhân vật và nhịp điệu trong tranh, tạo cảm xúc êm ái, thuần khiết.

Ở góc phòng tranh khác, một không gian màu lam tím rộng mênh mông của biển chiều càng làm con người có cảm giác bé nhỏ trước thiên nhiên trong bức tranh sơn dầu của Lệ Dung; đối lập bên cạnh là bức Ba cô gái ăn vận những bộ váy thời trang, ngồi gõ laptop khá hiện đại nhưng được Trần Thị Ngọc Linh thể hiện qua chất liệu sơn mài truyền thống khá ngộ nghĩnh.

Bức tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Nếp đầy tính ẩn dụ khi phá cách hình họa dành cho chất liệu mong manh, nhẹ nhàng này, được tác giả phối trí thật lạ, gợi tả và gây cảm xúc mạnh cho người xem hình dung về một kẻ bó gối, bối rối ngồi trên tấm vải dài, với hàng ngàn con kiến đen thoắt ẩn, thoắt hiện!...

Không gian kết nối

Phòng tranh mang tính giao lưu mới mẻ nhất là Sắc màu Sài Gòn - Hà Nội, diễn ra tại Nhà Triển lãm 92 Lê Thánh Tôn, quận 1. Phòng tranh quy tụ 10 cây cọ nữ có bút pháp mạnh mẽ, lao động nghệ thuật bền bỉ và sáng tạo nhiều tác phẩm trong khoảng thời gian dài ở Hà Nội và TPHCM.

Trong không gian trưng bày này, nhóm họa sĩ phía Nam có Nguyễn Thị Tâm “trẻ hóa” cùng hoa, tiêu biểu với bức Kính dâng; Đặng Thị Dương mô tả Giây leo rừng thật giản dị như len lỏi một chút cung đàn xưa u trầm; Thùy Linh khá trau chuốt màu sắc, mô tả một vùng đất đồng bằng sông Cửu Long Mùa nước nổi; Cao Thị Được quen thuộc những gam màu sáng, phá cách mạnh mẽ, đậm chất tân hiện thực về thiếu nữ và hoa.

Nhóm họa sĩ phía Bắc tham gia giao lưu có Bùi Mai Hiên mạnh mẽ, với những gam màu nóng mang nét truyền thống cách tân cho dòng tranh sơn mài, tiêu biểu với bức Chiều trên cao nguyên đầy huyền ảo; Phan Thị Minh Châu luôn thể hiện sự tinh tế riêng cho tĩnh vật hoa; tranh Nguyễn Thị Mỵ; Lê Thư “kiệm màu” với những bức phong cảnh Biển vàng, Mùa hè; tranh Nguyễn Thị Lan Hương với hình ảnh người phụ nữ ưu tư Bên gốc đào; và Ngô Hải Yến mô tả sự Thổn thức, cô đơn của người phụ nữ qua bút pháp khá táo bạo, gợi cảm…

Kết nối sáng tác, kết nối triển lãm giữa các họa sĩ hai miền Nam Bắc được coi là những tín hiệu mở đầu hoạt động giao lưu mỹ thuật cho dự án triển lãm tranh quốc tế của các nữ họa sĩ sẽ tổ chức tại TPHCM trong thời gian tới.

Đây là một điều đáng quan tâm của giới mỹ thuật, tuy nhiên chỉ xét riêng từ những góc không gian đang trưng bày tranh, tượng, người xem thật ái ngại khi diện tích quá chật hẹp, chưa đúng chuẩn và quy mô dành cho một cuộc triển lãm lớn. Phải chăng đã đến lúc thật cấp thiết để các nhà chuyên môn đầu tư một không gian nghệ thuật mới, xứng tầm của một thành phố lớn?

- Họa sĩ Uyên Huy (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM): Chúng tôi đánh giá phong trào vẽ tranh của các nữ họa sĩ ngày nay khá phát triển cả số lượng và chất lượng. Nhiều phong cách đã được định hình và hiện nay đang được các tác giả trẻ tiếp nối. Sự xuất hiện các cây cọ mới bổ sung lực lượng sáng tác trong giới nữ họa sĩ trong thời gian gần đây, cho thấy vị thế mới, nghề nghiệp mỹ thuật rất gần gũi với phụ nữ.

- Họa sĩ Đặng Thị Dương (Chủ nhiệm CLB Nữ họa sĩ): Đa số những nữ họa sĩ đã mất nhiều thời gian dành cho gia đình; cho công việc giảng dạy, cho phong trào công đoàn hoặc vô số công việc không tên khác… Thế nhưng, họ vẫn vẽ tranh như một cách vượt lên chính mình. Hiện nay, Ban chủ nhiệm CLB Nữ họa sĩ đang nỗ lực chuẩn bị chương trình giao lưu triển lãm quốc tế của các họa sĩ nữ ở TPHCM. Nó là một cuộc kết nối, mở rộng không gian nghệ thuật mới của giới sáng tác nữ.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục