Địa chỉ đỏ Nam kỳ khởi nghĩa

“Hồi đó tôi còn nhỏ, chừng 6, 7 tuổi nhưng nhớ rất rõ tụi giặc vô nhà bắt ba đi. Sau đó, không biết chúng đưa ông đi những đâu, chỉ biết sau này nghe mấy chú, mấy bác nói ba hy sinh ở Côn Đảo…”. Tiếng bà Bảy Vân (Bùi Thị Vân) kể trong tiếng nấc khi nhớ về người cha yêu quý của mình - ông Bùi Văn Ngữ và những đồng chí của ông trong những ngày diễn ra khởi nghĩa Nam Kỳ ngay tại ngôi nhà gỗ rộng hơn 200m² ở ấp Tiền Lân - hiện là địa chỉ đỏ của xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và cũng là nơi thờ phượng dòng họ Bùi và những đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống cho độc lập, tự do trên quê hương 18 Thôn Vườn Trầu…
Địa chỉ đỏ Nam kỳ khởi nghĩa

“Hồi đó tôi còn nhỏ, chừng 6, 7 tuổi nhưng nhớ rất rõ tụi giặc vô nhà bắt ba đi. Sau đó, không biết chúng đưa ông đi những đâu, chỉ biết sau này nghe mấy chú, mấy bác nói ba hy sinh ở Côn Đảo…”. Tiếng bà Bảy Vân (Bùi Thị Vân) kể trong tiếng nấc khi nhớ về người cha yêu quý của mình - ông Bùi Văn Ngữ và những đồng chí của ông trong những ngày diễn ra khởi nghĩa Nam Kỳ ngay tại ngôi nhà gỗ rộng hơn 200m² ở ấp Tiền Lân - hiện là địa chỉ đỏ của xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) và cũng là nơi thờ phượng dòng họ Bùi và những đồng bào, chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống cho độc lập, tự do trên quê hương 18 Thôn Vườn Trầu…

Địa chỉ của lòng dân

Thấy chúng tôi, bà Bảy Vân từ trong nhà phía bên kia đường nói vọng sang: “Bây cứ đẩy cửa vào, không khóa đâu”. Căn nhà gỗ mái ngói thiết kế theo hình chữ U, ở giữa có khoảng trời lấy ánh sáng cho dãy nhà hai bên. Ở giữa căn nhà phía trong được bà Bảy Vân đặt trang trọng bàn thờ gia tiên và áng thờ vị Tiền hiền và những người có công với nước được dân tôn thờ.

“Bộ bàn ghế này trước kia ba tôi cùng bác Bùi Văn Thủ, các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn… thường ngồi bàn chuyện đấu tranh cách mạng và củng cố lực lượng của Xứ ủy Nam Kỳ suốt những năm trước, trong và sau khởi nghĩa Nam Kỳ” - bà Bảy Vân nhớ lại.

Là người được dòng họ Bùi giao trông coi ngôi nhà có dấu tích lịch sử của Nam kỳ khởi nghĩa, nhiều năm qua bà Bảy Vân hàng ngày vẫn cặm cụi quét dọn, mở cửa đón khách vào tham quan và tổ chức các hoạt động truyền thống. “Nào giờ tôi ở căn nhà bên kia đường cùng cháu con, căn nhà bên này vẫn để y như vậy và ngày nào cũng mở cửa để ai muốn vào thắp nén nhang thì vào…” - bà Bảy Vân nói.

Bà Bảy Vân hàng ngày vẫn quét dọn căn nhà 28/2 ấp Tiền Lân là nơi hội họp của các đồng chí Trung ương Đảng trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940.

Đến một địa chỉ đỏ khác tại ấp Nam Lân, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Cư là con trai út ông Năm Trà (Nguyễn Thanh Trà) - người được dòng họ Nguyễn giao trông coi căn nhà lịch sử là căn cứ bí mật của Đảng những năm 1936 - 1940. Căn nhà dù đã được trùng tu lại cách nay gần 40 năm nhưng lối kiến trúc, cách bày trí thì vẫn giữ nguyên như những năm 1940. Chủ nhân của căn nhà này - ông Năm Trà, người đánh mõ Nam Lân trong khởi nghĩa Nam Kỳ.

“Bộ mõ được ba tôi giữ hàng mấy chục năm như kỷ vật trong nhà. Sau này, lúc còn sống ông giao cho văn hóa - thông tin xã đưa ra Nhà truyền thống trưng bày” - ông Nguyễn Văn Cư nói. Sau đó, ông dẫn chúng tôi tham quan một vòng ngôi nhà đã từng là cơ sở bí mật của Đảng, nơi các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân… thường xuyên hội họp và đề ra những quyết sách cho cách mạng miền Nam thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 Đoàn viên thanh niên xã Bà Điểm trong một buổi sinh hoạt truyền thống tại địa chỉ đỏ căn nhà 28/2 ấp Tiền Lân của ông Bùi Văn Ngữ.

Tại nhiều căn nhà khác là địa chỉ đỏ của xã Bà Điểm, như: nhà đồng chí Lê Văn Khương, Trịnh Thị Miếng (ấp Nam Lân), Mai Công Tự, Từ Văn Mười (ấp Đông Lân), Trần Văn Hy (ấp Tây Lân)… hiện cũng được giao cho cháu, chắt của đời thứ hai, thứ ba trông coi và biến những nơi này thành địa chỉ đỏ lòng dân của thế hệ hôm nay luôn hướng về các thế hệ cha anh đã đổ máu xương trên vùng đất lịch sử này.

Giữ lại cho thế hệ mai sau

Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm Trần Văn Trung cho biết, trên địa bàn xã hiện còn 29 căn nhà là địa chỉ đỏ ghi dấu cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Với ý nghĩa truyền và giữ lại hào khí cha ông cho thế hệ hôm nay và mai sau, trong nhiều năm qua Đảng ủy xã và các tổ chức chính trị, xã hội trong xã thường chọn một số căn nhà tiêu biểu còn giữ lại được nguyên trạng như trước kia để làm nơi hội họp, sinh hoạt truyền thống.

Hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ngày khởi nghĩa Nam kỳ, ngày Cách mạng Tháng Tám, Nam bộ kháng chiến… đông đảo thanh niên, các thế hệ cách mạng vùng Bà Điểm, Hóc Môn lại tề tựu về các địa chỉ đỏ trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa để ôn truyền thống và nhắc nhớ lại cho thế hệ hôm nay và mai sau giữ lấy cái hào khí giữ nước của cha ông, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp, ấm no.

Tuy nhiên, như mong muốn của cháu con chủ nhân những địa chỉ đỏ trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa, nhiều căn nhà là di tích lịch sử nay đã xuống cấp, không còn được như xưa. Như căn nhà số 63/5, ấp Tây Lân của ông Trần Văn Hy, trước kia là nơi diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì, hiện nhiều hạng mục, di tích đã không còn.

Bà Nguyễn Thị Hòa là cháu dâu út của ông Trần Văn Hy hiện đang trông coi ngôi nhà cũng không biết rõ được giá trị và ý nghĩa lịch sử của từng viên gạch, mái ngói, vuông đất - nơi ghi dấu cơ sở cách mạng, địa điểm tổ chức các cuộc họp quan trọng của Đảng ta trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và trong các cuộc đấu tranh cách mạng trên quê hương 18 Thôn Vườn Trầu.

Bà Hòa và nhiều gia đình khác đang được giao giữ, trông coi những địa chỉ đỏ tại xã Bà Điểm hiện nay mong các cấp chính quyền đầu tư, nâng cấp và tôn tạo những ngôi nhà mang dấu ấn lịch sử này cho thế hệ hôm nay và mai sau làm nơi chốn đi, về tưởng nhớ đến truyền thống đấu tranh cách mạng của cha ông trên quê hương Nam kỳ khởi nghĩa.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục