Diễn đàn đổi mới chương trình, SGK: Sách giáo khoa của GS Hồ Ngọc Đại sẽ không còn được dạy?

Bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị Hội đồng thẩm định SGK quốc gia chấm không đạt ngay từ vòng đầu.

Biên bản hội đồng lập ngày 29-8 đã nêu một số ưu điểm của sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục như bộ sách có quan điểm, cách tiếp cận riêng; sách chú ý đến việc dạy học đọc thành tiếng và chính tả để học sinh có thể đọc đúng, viết đúng chính tả; nội dung sách đáp ứng một số quy định trong chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn...

Tuy nhiên, có tới gần 300 nội dung, chi tiết cần phải sửa, bỏ. Nhiều nội dung trong đó các thành viên cho rằng “vượt chương trình” hoặc “quá khó so với học sinh lớp 1”. SGK Toán 1 - Công nghệ giáo dục cũng bị các thành viên hội đồng thẩm định đánh giá có nhiều nội dung không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới, vượt yêu cầu của chương trình.

Sách Công nghệ giáo dục lớp 1 xuất phát từ đề tài khoa học cấp Nhà nước được nghiệm thu do GS Hồ Ngọc Đại chủ trì, sau đó được dạy thử nghiệm thành công ở nhiều địa phương. Ra đời từ 40 năm trước, trải qua nhiều lần thẩm định bởi hội đồng thẩm định quốc gia. Bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục 1 đã được triển khai dạy học trong nhiều nhà trường suốt 40 năm qua và hiện có khoảng 931.000 học sinh theo học, trong đó một số tỉnh miền núi đặc biệt rất thành công khi áp dụng cuốn sách này, vì học sinh đã học là nhớ mặt chữ, không bị quên. Sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã nhiều lần gây “sóng gió” trên công luận vì cách tiếp cận có phần khác biệt SGK phổ thông hiện hành. Gần đây, dư luận tiếp tục “dậy sóng” khi một clip đánh vần bằng hình tròn, ô vuông được đăng tải trên mạng xã hội.

Trước thông tin bộ sách công phu của mình bị loại, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, đánh giá của hội đồng thẩm định chưa thuyết phục, áp dụng các quy định, tiêu chí cứng nhắc, cơ học. “Tôi viết sách kỹ như di chúc nghiệp vụ, mong muốn để lại cho thế hệ sau. Tôi tâm niệm thầy giáo phải thấy cảm giác của mình được dạy trẻ con là hạnh phúc, chứ không phải trẻ con nghe theo mình là hạnh phúc”, ông nêu quan điểm. Đồng thời cho hay, SGK Công nghệ giáo dục được thực nghiệm, biên soạn mấy chục năm, có tư tưởng chỉ đạo, có nguyên tắc, phương pháp. Vì vậy, ông sẽ không sửa, không điều chỉnh gì thêm đối với bộ sách của mình.

“Đó là công trình cả đời tôi, lấy tiêu chuẩn vì lợi ích đất nước, tôi đã điều chỉnh mấy chục năm qua và được học sinh chấp nhận, cái gì trẻ con chấp nhận được thì tôi tin nó không quá khó với các em”, GS Hồ Ngọc Đại nói.

Liên quan đến vụ việc, chiều 12-9, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT và một số thành viên Hội đồng thẩm định SGK quốc gia (GS Trần Đình Sử làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định) cho hay, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa nhận bất kỳ phản ảnh nào của các tác giả SGK. Thẩm định của hội đồng là công tâm, khách quan, trách nhiệm, chúng ta cần trân trọng kết quả thẩm định của hội đồng. Lý giải vì sao bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, đại diện Bộ GD-ĐT và các thành viên hội đồng cho rằng, theo quy định của Bộ GD-ĐT tại Thông tư 33 về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK. Hội đồng thẩm định SGK dựa vào những tiêu chí sau để đánh giá: điều kiện tiên quyết của SGK; nội dung SGK; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK; cấu trúc SGK; ngôn ngữ sử dụng trong SGK và hình thức trình bày SGK. Chiếu theo các quy định này, Hội đồng thẩm định đánh giá SGK Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại chỉ đạt về điều kiện tiên quyết của SGK, nhưng không đạt tất cả các tiêu chí còn lại. So với chương trình giáo dục phổ thông mới thì SGK của GS Hồ Ngọc Đại không bám theo chương trình mới. Hội đồng thẩm định cũng cho biết, nếu GS Hồ Ngọc Đại chỉnh sửa lại bộ sách bám theo chương trình giáo dục phổ thông mới thì hội đồng sẽ thẩm định lại từ đầu.

Việc bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại có nhiều ý kiến trái chiều. Trên mạng xã hội, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, sách của GS Hồ Ngọc Đại đã có 40 năm, cả triệu trẻ dùng để học chữ, nó đã là một phần của cuộc sống. Theo GS Ngô Bảo Châu, quản lý nhà nước thì cần có thẩm định, có chuẩn, nhưng sẽ là “buồn cười” nếu đem cuộc sống ra thẩm định.

Thiết nghĩ đó cũng là một vấn đề mà Bộ GD-ĐT phải xem xét kỹ lưỡng.

Tin cùng chuyên mục