Điêu khắc công cộng: Vui xong… rồi lại xếp kho

68 tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ 578 tác phẩm của 276 tác giả trong cả nước tham dự cuộc vận động sáng tác “Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng” với quy mô toàn quốc vừa được trưng bày trong triển lãm cùng tên tại Hà Nội.
Điêu khắc công cộng: Vui xong… rồi lại xếp kho

68 tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn từ 578 tác phẩm của 276 tác giả trong cả nước tham dự cuộc vận động sáng tác “Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng” với quy mô toàn quốc vừa được trưng bày trong triển lãm cùng tên tại Hà Nội.

Đây được xem như gợi ý thú vị cho các nhà đầu tư, chủ các tòa nhà trong lựa chọn tác phẩm nghệ thuật cho các công trình xây dựng, song tiếc thay, cũng giống như tình trạng chung của điêu khắc Việt Nam trong thời điểm này, các nghệ sĩ lại phải đối mặt với tình huống sáng tác xong, tự thưởng thức và… lại đưa tác phẩm về lưu kho.

Tác phẩm Nguồn sống, chất liệu gỗ sơn của Trần Văn Thược - Giải nhất cuộc vận động sáng tác “Tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng”

Bán không ai mua, cho không ai nhận!

Trong xu thế phát triển, hội nhập, đô thị hóa nhanh, nhu cầu tạo dựng không gian thẩm mỹ, phục vụ đời sống của nhân dân, việc kết hợp giữa tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt tại trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng để làm đẹp cảnh quan môi trường thẩm mỹ cho các khu đô thị đang là nhu cầu của xã hội. Trong khi tại nhiều nước đã có những quy định rất cụ thể về tỷ lệ phần trăm vốn của công trình buộc phải dành cho các tác phẩm nghệ thuật công cộng thì tại Việt Nam, các nghệ sĩ điêu khắc vẫn đang đau đáu với nỗi lo “đầu ra” cho tác phẩm.

NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nước và thấy ở họ có những vườn tượng rất đẹp, mang đậm bản sắc dân tộc. Người dân tại đây cũng luôn mong muốn có những công trình như thế, trong khi ở nước ta dường như mối quan tâm đến các biểu tượng kiến trúc trong không gian này vẫn còn khá xa vời. Một số đô thị hiện đại, các công trình nghệ thuật công cộng cũng đã xuất hiện nhưng ở đó tiếc thay lại mang dấu ấn nước ngoài nhiều hơn”.

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường - nguyên Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, buồn bã thừa nhận có quá ít người có thể sống tốt với nghề và câu chuyện “đầu ra” cho các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc cũng khiến cho giới họa sĩ, đặc biệt là các nhà điêu khắc  phải đau đầu. “Nhiều nghệ sĩ sáng tác xong rồi lại tự thưởng thức, bởi đơn giản họ làm thế chỉ để thỏa sức sáng tạo nghệ thuật, cũng bởi cái nghiệp đeo vào thân, không dứt ra được. Thậm chí, sau triển lãm này, các tác phẩm lại được mang về nhà, bởi không có ai mua, mà cho cũng không ai lấy” - ông Cường chia sẻ. Về vấn đề này, NSND Vương Duy Biên, một người đam mê theo đuổi điêu khắc nhiều năm cũng thẳng thắn chia sẻ, nhà mình cũng có một kho dùng để chứa tác phẩm đã hoàn thành. Ông nói: “Chuyện tác phẩm làm ra rồi để đó, không ra được với công chúng thì phổ biến lắm. Không đâu xa, bản thân tôi cũng xếp đầy nhà các tác phẩm do mình làm”.

Giải nhì - tác phẩm Trang trí bảo tàng, chất liệu sắt hàn của Lê Thị Tơ

Kỳ vọng thay đổi nhận thức?

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, tại nhiều khu đô thị mới hiện nay, các chủ đầu tư thường đưa vào khu đô thị của mình những công trình sính mác ngoại, hoặc theo ý tưởng riêng của họ nhằm mục đích đề cao biểu tượng của chính doanh nghiệp. Lý giải điều này, ông Vạn cho rằng, khi xây dựng, chủ đầu tư muốn phối cảnh cho hợp với kiến trúc của các công trình, dẫn đến việc các tác phẩm điêu khắc khó chen chân đến đây. “Chung quy lại, chủ đầu tư luôn coi trọng lợi ích kinh tế hơn, nên chưa có sự nhìn nhận xác đáng cho những công trình văn hóa. Thay đổi điều này, trước hết phải làm thay đổi về mặt nhận thức”, ông Vạn cho hay.

Một số ý kiến cũng cho rằng sở dĩ các nhà đầu tư không mặn mà với điêu khắc trong nước bởi chưa có nhiều tác phẩm đẹp, chưa có nhà điêu khắc nào thực sự nổi bật trong lĩnh vực này vì thế việc tìm đến các nghệ sĩ nước ngoài là tất yếu. Song, giới họa sĩ trong nước lại không đồng tình với quan điểm này. Ông Lưu Danh Thanh (Hội Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng các doanh nghiệp chưa quan tâm đến những tác phẩm mang tính văn hóa truyền thống mà vẫn chủ yếu mua, sắp đặt biểu tượng kiến trúc để tạo tính độc đáo, lạ lẫm và “sang”, với mong muốn làm kinh tế là hàng đầu.

Trong thực tế, không phải là không có những tác phẩm điêu khắc hay, đẹp - nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cũng khẳng định. Bởi vì sau mỗi trại sáng tác điêu khắc mỹ thuật đều có những tác phẩm rất hay, nhưng  một phần do trình độ thẩm mỹ của người xem chưa được nâng cao, vì thế họ không hiểu mục đích, ý nghĩa và sự ra đời của tác phẩm là gì, từ đó họ thưởng thức những tác phẩm ngoài trời đó một cách hời hợt, dẫn đến việc thiếu tôn trọng tác phẩm, thiếu văn hóa trong cách hành xử với cái đẹp.
Cần phải nhìn nhận thực tế các phẩm điêu khắc là sản phẩm hàng hóa nghệ thuật nên cũng phải tuân thủ cơ chế thị trường. Theo nhiều nhà điêu khắc, sẽ hợp lý hơn nếu tổ chức được một hội nghị khách hàng và mời được các nhà đầu tư xây dựng tham gia, vừa là phát huy vai trò của nhà quản lý trong việc kết nối giới điêu khắc với các doanh nghiệp, chủ đầu tư để đưa các tác phẩm xuất sắc ứng dụng vào cuộc sống vừa nhằm kích thích, thay đổi nhận thức trong quá trình sáng tác của các nhà điêu khắc. Tất nhiên trong mối quan hệ mang nặng tính cung - cầu lại nhuốm màu sắc nghệ thuật như vậy không phải lúc nào các nghệ sĩ và chủ doanh nghiệp cũng có thể có cùng tiếng nói chung.

Giải ba - tác phẩm Biểu tượng kiến trúc tại đảo giao thông phía Bắc cầu Đắkbla của Nguyễn Thị Lan Anh

Cũng chung mong muốn kéo lại gần hơn khoảng cách giữa người sáng tác và người tiêu dùng, NSND Vương Duy Biên cho biết sắp tới bộ sẽ nghiên cứu để có thể tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đây là việc làm không hề dễ, “vì hiện không có cơ chế nào ràng buộc các cơ quan hay bắt buộc không gian công cộng phải bố trí các công trình điêu khắc”. Ông cũng ao ước, giá như chủ đầu tư nào cũng dành ra một khoản kinh phí cho việc xây dựng, lắp đặt các biểu tượng kiến trúc, để mỗi không gian được thiết kế trở nên hoàn hảo hơn thì tốt biết mấy. Triển lãm dường như mới chỉ đang xới lên một vấn đề, một câu chuyện mà người làm nghề đã đau đáu từ lâu. Tuy nhiên, để ước mơ trở thành hiện thực thì có lẽ con đường phải đi sẽ còn dài.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, Bộ VH-TT-DL kỳ vọng việc tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc vận động thi thiết kế sáng tác điêu khắc, biểu trưng nơi công cộng sẽ góp phần không chỉ  khuyến khích, thúc đẩy việc đưa mỹ thuật vào đời sống cộng đồng, đồng thời tạo tiền đề cho những ý tưởng sáng tạo đưa nghệ thuật đến gần hơn với các tầng lớp công chúng mà còn góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục