Nhà điêu khắc tài ba Nguyễn Hải - tác giả của nhiều tượng đài nổi tiếng như: Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Văn Trỗi, Những người mẹ - Những người chị, Cuộc chiến đấu tự vệ, Thánh Gióng, Hồ Xuân Hương, Rạch Gầm - Xoài Mút, Ấp Bắc, Cổ Cò, Bà mẹ Tổ quốc, Chiến sĩ vô danh, Trận chiến Bàu Bàng, Trận Bến Lức, Công nhân đấu tranh…… vừa trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Thống Nhất TPHCM do bị xuất huyết não, hưởng thọ 80 tuổi.
1.
Điêu khắc gia Nguyễn Hải sinh năm 1933, tại làng Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 14 tuổi, ông gia nhập Tiểu đoàn 307, một đơn vị lừng danh anh hùng của đất Nam bộ thời ấy. Tại đơn vị này sau một thời gian ngắn làm giao liên, ông được lãnh đạo cho đi học vẽ. Khi kết thúc khóa học, ông về lại đơn vị bắt tay vào công việc trình bày cho tờ báo của Tiểu đoàn 307. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và thi đậu vào Trường Mỹ thuật Hà Nội hệ trung cấp. Lúc đầu, ông theo ngành hội họa. Sau đó tự đánh giá lại khả năng của chính mình, ông chuyển sang học ngành điêu khắc. Năng lực của ông nhanh chóng được khẳng định bằng năng khiếu bẩm sinh và sự nỗ lực. Sau 2 năm học, ông đã thi vượt cấp vào hệ cao đẳng. Không chỉ học giỏi, ông còn đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật toàn quốc và có tác phẩm triển lãm tại Hà Nội. Ra trường năm 1963, điêu khắc gia Nguyễn Hải về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông trở về miền Nam quê hương và trở thành nhà điêu khắc tài hoa, thiết kế tượng đài hoành tráng và rất thành công trong suốt hơn 30 năm qua.
Niềm say mê nghệ thuật và tài năng của điêu khắc gia Nguyễn Hải đã được truyền lại cho hai người con - cả hai tài năng này đều là họa sĩ và điêu khắc gia tên tuổi trong giới mỹ thuật: Nguyễn Hải Nguyễn và Nguyễn Thị Chinh Lê. Người bạn đời của ông là nữ họa sĩ Lê Thị Chinh. Người phụ nữ này không những là chỗ dựa bình yên cho chồng, cho con mà bà còn là người phụ nữ tài năng. Bà tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Công nghiệp với chuyên ngành tạo dáng gốm và sau đó chuyển sang điêu khắc cùng chồng với nhiều thành công đáng nể.
2.
Tên tuổi của điêu khắc gia Nguyễn Hải gắn liền với các tượng đài cách mạng, những tượng đài mang tầm vóc quốc gia. Trong khoảng thời gian dựng tượng đài Thủ Khoa Huân ở Tiền Giang, điêu khắc gia Nguyễn Hải còn có mẫu tượng đài Bà mẹ Tổ quốc được UBND TPHCM trao giải nhất trong cuộc thi tìm kiếm tượng đài tiêu biểu để xây dựng nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Công trình do UBND TPHCM đề xuất, cả hai tượng đài Bà mẹ Tổ quốc và Chiến sĩ vô danh của điêu khắc gia Nguyễn Hải đều được đánh giá cao, đây là một công trình quần thể, được đặt tại khu nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, hoàn thành vào ngày 30-4-1990.
Ngoài ra, tượng đài Công nhân đấu tranh của ông đã được đặt tại ngã bảy TPHCM là một phá cách trong sáng tạo, lần đầu tiên trong tác phẩm của ông xuất hiện một bố cục xù xì và gai góc về chi tiết để tạo dựng một không gian ấn tượng đặc biệt để nói lên phong trào đấu tranh của công nhân.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ - tác phẩm của điêu khắc gia Nguyễn Hải được chọn dựng trên đồi D1 - TP Điện Biên được xem là tượng đài lớn nhất Việt Nam. Từ tài năng và sức lao động không mệt mỏi đã đóng góp cho đất nước, năm 2001 điêu khắc gia Nguyễn Hải đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh qua các tác phẩm: Nguyễn Văn Trỗi, Thánh Gióng, Đài tưởng niệm hòa bình, Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Không chỉ trong sáng tạo nghệ thuật, ông đón nhận nhiều giải thưởng cao quý mà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông còn được Nhà nước ghi nhận công lao qua: Huân chương Kháng chiến hạng nhì, Huân chương Chống Mỹ hạng nhất… Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng, nhưng những tượng đài của ông vững đứng sừng sững, bất tử với thời gian, với lòng người.
Huỳnh Mẫn Chi