Mặc dù vất vả trăm chiều, nhưng các nhà điêu khắc tự sự, họ không muốn kêu ca, mà cố gắng tìm niềm vui trong sáng tạo và hy vọng trong tương lai xa, sẽ có quy hoạch kiến trúc - mỹ thuật tổng thể để thế hệ con cháu có được một không gian đô thị tốt hơn.
Thiếu “đất sống”
Từ ngày 30-11 đến 30-12 diễn ra triển lãm điêu khắc TPHCM lần 4 tại Khu du lịch Văn Thánh (làng du lịch Bình Quới, quận Bình Thạnh, TPHCM). Các tác phẩm được trưng bày trong không gian đẹp của khu du lịch và vào cửa miễn phí. Để có được sự ủng hộ về địa điểm từ khu du lịch rất đông người đến tham quan này, đã là điều may mắn cho các nghệ sĩ có nơi trưng bày tác phẩm, nhưng thực sự sẽ có bao nhiêu công chúng tới đây ngắm tượng? Hay cuối cùng, 64 tác phẩm lộng lẫy của lần triển lãm này, sau đó cũng sẽ… buồn bã cùng số phận với mấy chục tác phẩm của lần triển lãm trước, vẫn còn nguyên đó, đợi người thưởng thức?
Ngay cả mấy chục tác phẩm tốt nhất của trại sáng tác điêu khắc quốc tế do TPHCM tổ chức hồi năm 2015, cho đến giờ cũng đang lâm vào cảnh thiếu không gian trưng bày. Tác phẩm để tạm ở đâu đó chẳng khác gì một dạng “lưu kho”, gây lãng phí cả tiền tổ chức lẫn chất xám của các nghệ sĩ.
Sáng tác điêu khắc với đặc thù riêng, vất vả hơn rất nhiều lần so với các bộ môn mỹ thuật khác. Từ việc đi tìm chất liệu mới, đến thể hiện những ý tưởng cập nhật xu thế thời đại, bắt kịp sự phát triển của điêu khắc thế giới, nhưng đến khi hoàn thiện tác phẩm lại quá xa lạ với người xem. Chẳng hạn nhà điêu khắc làm tượng thông thường, người xem còn có thể hiểu được tượng đó tạc ai hoặc ý nghĩa của tượng là gì. Nhưng khi nhà điêu khắc sáng tạo trên những chất liệu mới như đồng, kim loại, gò nhôm, tổng hợp… thì người xem chỉ biết lắc đầu không hiểu nổi ý tác giả muốn chuyển tải thông điệp gì.
Nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến và tác phẩm “Cuộn” đoạt giải nhất
Nhọc nhằn vất vả
Không chỉ là vôi ve, gỗ, đá bụi mù tung tóe cả tháng trời trong quá trình làm tác phẩm, điêu khắc hiện đại với nhiều chất liệu mới khiến nghệ sĩ cần vượt qua những thử thách lớn hơn, nhiều khi nghệ sĩ phải mình trần chịu cực, chịu đau để đồng nghiệp đổ khuôn những tác phẩm mang hình dáng con người, mà ở đó tác giả muốn lồng vào chính kích cỡ, kiểu dáng, hình dạng cá biệt của bản thân mình.
“Họa sĩ vẽ tranh muốn bán ra nước ngoài khá đơn giản là cuộn tranh lại mang đi rồi làm khung sau. Nhưng tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh nếu không quá lớn, còn có thể mang đi mang lại giữa các địa phương khác nhau để triển lãm; còn đã làm tác phẩm cỡ lớn, thậm chí siêu lớn, có những tác phẩm chiều cao lên tới 4m, đặc biệt với những chất liệu nặng như đồng, sắt, đá… thì di chuyển tác phẩm là cả một vấn đề nan giải. Đừng mơ chuyện có thể mang lên máy bay ra nước ngoài bán cho khách mua”, nhà điêu khắc Lê Lang Biên cho biết.
“Nhà điêu khắc rất khó trong việc lựa chọn và cân đối bao nhiêu phần trăm thời gian và trí não phải giành để làm những công việc khác kiếm sống, chẳng hạn như trang trí nhà vườn, làm tượng cho các cá nhân, tượng theo đơn đặt hàng, thậm chí làm tượng băng trang trí tiệc trong các nhà hàng, khách sạn lớn; còn lại bao nhiêu thời gian sẽ được sống hết mình với sáng tạo nghệ thuật thuần túy?”, điêu khắc gia Phạm Minh Chiến tự sự.
Những ngôn ngữ tạo hình mới được thể hiện trong các tác phẩm đoạt giải của năm nay: giải nhất “Cuộn” của nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến, chất liệu tổng hợp; giải nhì thuộc về nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Dương với tác phẩm “Hội tụ”, chất liệu đá; giải ba là tác phẩm “Thế giới ảo”, chất liệu tổng hợp của nhà điêu khắc Nguyễn Uyên Khoáng.
Vật vã mãi mới có được tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, thế mà sáng tạo xong, chẳng biết đem để đâu? Đã là tác phẩm được lựa chọn khắt khe bởi một hội đồng những nhà chuyên môn trong giới mới được tập hợp đem triển lãm, định kỳ năm năm một lần. Thế mà triển lãm xong, cũng chỉ biết để đó phơi nắng, đội mưa, thực sự số lượng người ngó đến không đáng là bao.
Cần quy hoạch mỹ thuật - kiến trúc
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, cho biết so với các triển lãm lần trước, năm nay đã loại bỏ tư tưởng chấp nhận những tác phẩm trung bình do 5 năm mới tổ chức một lần, vì thế, hầu hết các tác phẩm lần này đều có chất lượng cao, khẳng định sức sáng tạo mạnh mẽ trong thế hệ điêu khắc trẻ.
Nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, cho biết tại trường, sinh viên được đào tạo đạt chuẩn với nhiều nước trong khu vực về chuyên ngành điêu khắc, cho nên nhiều năm gần đây, sinh viên trẻ cũng chọn ngành điêu khắc để dấn thân, học hỏi. “Với tốc độ không ngừng phát triển nhanh và mạnh của đô thị TPHCM, trong những năm tới, thành phố sẽ còn cần thêm rất nhiều tác phẩm điêu khắc để làm đẹp không gian công cộng. Triển lãm điêu khắc TPHCM lần 4 là một nỗ lực gắn kết tác phẩm điêu khắc với không gian kiến trúc, hướng đến một ý tưởng và hình thức điêu khắc mới - điêu khắc đô thị, đáp ứng nhu cầu sáng tạo của các nhà điêu khắc, cũng như phát huy vai trò là điểm nhấn thẩm mỹ của các tác phẩm điêu khắc, phục vụ nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ, một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống đô thị hiện nay”, nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn nói.
Triển lãm duy trì lòng yêu nghề nhưng tác phẩm cần đi vào đời sống văn hóa của công chúng. Thà bị chê chứ còn hơn nằm im lìm cô đơn trong một góc không ai xem, thậm chí không ai biết. TPHCM có rất nhiều các ngã tư cần tượng hoặc tác phẩm điêu khắc để trang trí, rất nhiều công viên cây xanh, các tuyến phố đi bộ, các con đường ven sông, những khu đô thị mọc lên như nấm và vô cùng lộng lẫy nhưng chưa hề có sự hiện diện nào của mỹ thuật đương đại, không có bất cứ một bức tượng hay tác phẩm điêu khắc nào để công chúng làm quen, học cách thưởng thức và chiêm ngưỡng.
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn trăn trở: “Chúng ta đang có những nguồn lực tốt nhưng chưa được sử dụng. Cần xác định rõ những khu vực nào đặt được tượng công cộng, với kích cỡ như thế nào; sáng tác trên những chất liệu gì, phong cách gì phù hợp. Nhu cầu thực tế rất lớn nhưng từ năm 2000 đến nay, quy hoạch mỹ thuật - kiến trúc cho TPHCM vẫn còn… nằm trên giấy”.
HÒA BÌNH