Điêu khắc Việt Nam: 10 năm vẫn… nhạt

Được coi là sân chơi có quy mô lớn nhằm tổng kết, đánh giá và giới thiệu những thành tựu trong sáng tạo, phát triển của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam 10 năm qua, đồng thời ghi nhận những đóng góp của một thế hệ các nhà điêu khắc Việt Nam, thế nhưng triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Hà Nội vẫn không tránh được những dư âm buồn.
Điêu khắc Việt Nam: 10 năm vẫn… nhạt

Được coi là sân chơi có quy mô lớn nhằm tổng kết, đánh giá và giới thiệu những thành tựu trong sáng tạo, phát triển của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam 10 năm qua, đồng thời ghi nhận những đóng góp của một thế hệ các nhà điêu khắc Việt Nam, thế nhưng triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Hà Nội vẫn không tránh được những dư âm buồn.

        Thiếu vắng các tác phẩm đỉnh cao

Nhìn nhận theo hướng tích cực, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Triển lãm - Mỹ thuật, cho rằng: “Các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm lần này đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm. Sự phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách như hiện thực, trừu tượng, biểu hiện... Sự đa dạng về chất liệu với nhiều tìm tòi thể nghiệm, kết hợp giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt... Mặt bằng chung của nghệ thuật điêu khắc đã được nâng cao lên về mọi phương diện, đánh dấu sự phát triển cả về nghệ thuật và lực lượng sáng tác”... “Triển lãm lần này phản ánh bước phát triển vượt trội mặt bằng chung về chất lượng nghệ thuật, vượt xa so với lần trước”.

Khu trưng bày ngoài trời của triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5.

Khu trưng bày ngoài trời của triển lãm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5.

Song nhà điêu khắc Phan Gia Hương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật triển lãm thì thẳng thắn hơn khi cho rằng dù mặt bằng chung của nghệ thuật điêu khắc đã được nâng cao lên nhưng đỉnh cao thì cần phải chờ đợi. Phân tích về điều này, nhà điêu khắc Phan Gia Hương cho rằng đó chính là hệ quả của việc nhiều năm qua ngành mỹ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng mới chỉ quan tâm đến chiều rộng theo kiểu phong trào mà chưa thật sự quan tâm tới chiều sâu mang tính chất lâu dài, nền tảng và bền vững. Điều này cũng dễ nhận thấy bởi lẽ, mặc dù 10 năm mới có một triển lãm tầm cỡ và cũng từng đó năm tìm kiếm tác phẩm xuất sắc để trao giải nhưng cuối cùng vị trí cao nhất của giải thưởng vẫn không có chủ.

Trong giai đoạn hiện nay, với quá trình hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, nghệ thuật... cùng với sự phát triển và xây dựng đất nước thì vấn đề xây dựng một môi trường mỹ thuật văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thì thưởng thức mỹ thuật là một nhu cầu thiết yếu của đời sống. Trong khi đó, các tổ chức triển lãm mỹ thuật nói chung và của ngành điêu khắc nói riêng bằng nguồn kinh phí Nhà nước từ trung ương tới địa phương vẫn mang tính “Báo cáo”, “Phong trào”, “Giải thưởng phụ thuộc vào thành phần hội đồng”... chưa tiếp cận được với sự phát triển về kinh tế, xã hội của đất nước, đồng thời chưa giải tỏa được những “khúc mắc” của số đông nhà điêu khắc, họa sĩ thì đương nhiên khó quy tụ được họ.

        Hy vọng ở thế hệ điêu khắc trẻ

Theo nhà điêu khắc Phan Gia Hương, thế hệ các nhà điêu khắc trẻ đã gây bất ngờ cho người xem bởi những tác phẩm đầy sáng tạo nhưng vẫn kết hợp nhuần nhuyễn tính truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và toàn cầu hóa. Nhiều tác phẩm đã phản ánh hơi thở thăng trầm của đời sống xã hội hiện đại, những ước nguyện trong tương lai và những khía cạnh, góc khuất của con người... Các tác giả đã có nhiều nỗ lực tìm tòi với sự đa dạng ở chất liệu sử dụng: đồng, đá, gỗ, sắt thép, gốm đất nung, tổng hợp... Triển lãm lần này đã khẳng định một thế hệ nhà điêu khắc trẻ Việt Nam đang trưởng thành và đầy hứa hẹn với những tư duy sáng tạo mới, năng động, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và xu hướng toàn cầu hóa.

Sử dụng đa dạng các chất liệu là một trong những xu hướng điêu khắc hiện đại.

Sử dụng đa dạng các chất liệu là một trong những xu hướng điêu khắc hiện đại.

Họa sĩ Hồ Nam (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) cũng đồng tình với nhận xét này khi cho rằng triển lãm đã khẳng định sức sáng tạo và chuyển mình của lớp điêu khắc trẻ, một thế hệ nhà điêu khắc đang trưởng thành và đầy hứa hẹn với những tư duy sáng tạo mới. TS Trang Thanh Hiền cũng cho rằng sự bứt phá của một thế hệ trẻ trong ngôn ngữ và tư duy là tín hiệu đáng mừng cho điêu khắc Việt.

Mặc dù vậy, trong xu thế toàn cầu hóa, điêu khắc Việt Nam vẫn khó khăn trong việc tìm “không gian sống” nuôi dưỡng mình. Đã từ lâu, trên thế giới, ở nhiều quốc gia, nghệ thuật điêu khắc luôn đi liền với không gian sống, không gian đô thị, có sự gắn kết giữa chính trị - kinh tế - văn hóa - nghệ thuật, trở thành chuẩn mực để đánh giá đô thị văn minh hiện đại. Xét như vậy, ở nước ta hiện nay, trong xu thế hội nhập, đô thị hóa nông thôn hết sức nhanh chóng, nhưng sự hưởng thụ nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm điêu khắc của công chúng lại rất thiếu hụt. Nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ trong không gian đô thị văn minh hiện đại vẫn còn là xa lạ với người dân. Không gian sống, không gian cho các tác phẩm điêu khắc dường như còn quá xa lạ với công chúng. Nhiều công trình tượng đài, vườn tượng từ các trại điêu khắc, tác phẩm điêu khắc từ các cuộc triển lãm bị lãng quên, chưa phát huy được hết vai trò giáo dục cảm thụ thẩm mỹ cho công chúng. “Việc xem miễn phí một triển lãm điêu khắc còn không màng thì đương nhiên sẽ chẳng ai bỏ tiền ra mua tác phẩm điêu khắc về làm gì” - Th.S Mai Thu Vân, Phó Trưởng khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nói.

“Ở nhiều triển lãm, nhiều tác phẩm nếu không có tên tác giả ở dưới thì cũng dễ lầm tưởng là tác giả nước ngoài. Tác giả chưa đủ độ chín về tư duy thì chưa đọng lại được tinh thần, thẩm mỹ dân tộc trên tác phẩm. Và với đà này, thì mặc dù về kỹ thuật hay ngôn ngữ thể hiện có phát triển và theo kịp thời đại đến mấy, thì dần dần, chúng ta cũng mất đi chỗ đứng ngay trên đất nước chúng ta, nói gì đến việc tạo được dấu ấn riêng của người Việt”- bà Hương lo lắng. Vì thế, cho tới tận thời điểm này, sau 5 kỳ triển lãm điêu khắc toàn quốc, một câu hỏi lớn vẫn phải trông cậy vào thế hệ trẻ đó là “Điêu khắc Việt Nam đang ở đâu?”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục