Tản văn

Đò dọc miền Tây

Trịnh Hữu Hòa
Đò dọc miền Tây

Trời chưa sáng tỏ mặt, thằng Út em tôi đã gọi mọi người thức dậy sửa soạn đi xuống Phụng Hiệp coi mắt vợ cho thằng cháu. Tập tục “coi mắt” đã xưa như chuyện cổ tích, ngỡ nó đã bị đào thải theo thời gian. Nào dè ở quê tôi  vẫn giữ cái lệ xưa đó.

Đôi khi không phải do đàng trai cậy nhờ mai mối, mà do mấy ông mai, bà mai dẫn lối chỉ đường. Bởi vậy mới có chuyện người ở đàng Đông thành hôn với người ở đàng Tây. Kể ra cũng hay, nó thể hiện sự kính trên nhường dưới, con cháu biết vâng lời ông bà cha mẹ, giữ đạo lý kỷ cương, cái gốc của nếp gia đình.

Chợ nổi trên sông. Minh họa: Trịnh Hữu Hòa

Chợ nổi trên sông. Minh họa: Trịnh Hữu Hòa

Tiếng còi tàu đò ngoài bến chợ theo gió văng vẳng hối thúc xa đưa, báo hiệu sắp đến giờ tàu chạy.

Tôi nghĩ đến chuyện phải ngồi tàu kể như mất trọn cả ngày cho 2 lượt đi về. Quá ngán. Nhưng khi tàu chạy một đỗi, tôi lại thấy thích thú vô cùng, y như là mình đi du lịch sinh thái trên sông. Sóng nước dập dềnh, gió buổi sáng mát rượi bên tai. Những mái nhà nép dưới màu xanh cây lá như còn đang say ngủ, hơi sương sớm giăng giăng khắp nẻo.

Từ Tam Bình (Vĩnh Long), tàu xuôi theo dòng sông Măng Thít chạy hơn một giờ thì tới chợ Trà Ôn. Nơi đây cũng có chợ nổi trên sông, tuy không “sung” như chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, nhưng cũng thuộc một trong những chợ nổi bề thế và lâu đời ở miền Tây sông nước. Chợ nổi Trà Ôn luôn đông ghe thuyền họp chợ, cả trước và sau tết. Những chiếc ghe bán hàng ken nhau neo đậu giữa sông kéo dài nhìn đến ngút mắt.

Ghe nào bán thứ gì thì trước mũi ghe có treo thứ đó. Chủ yếu là hàng nông sản, rất phong phú, không thiếu thứ gì. Đây cũng là trung tâm bán sỉ nông sản, phân phối về các chợ nhỏ vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh những chiếc ghe bán hàng khẳm lừ, là những chiếc ghe của những bạn hàng mua đi bán lại như con thoi, chạy đến đầu này đầu nọ, mỗi thứ mua một chút để kịp về chợ xa. Nhộn nhịp nhất là những chiếc xuồng, chiếc tam bản ăn theo chợ nổi bán cà phê thuốc lá, bánh mì, hủ tiếu, xôi, bắp… Xuồng bán tàu hủ có lẽ nhiều nhất, ở đâu cũng nghe tiếng rao “tàu hủ hôn”, giọng rao hàng nghe ngọt lịm như ngâm thơ chuẩn bị vào 6 câu vọng cổ.

Chiếc tàu đò chạy đến chợ nổi Trà Ôn nổ máy xình xịch đứng tại chỗ, hú còi inh ỏi. Thì ra họ chờ mối bạn hàng. Từ trong chợ nổi, nhiều chiếc xuồng con và những chiếc ghe nhỏ của những bạn hàng, vừa vẫy tay, vừa hối hả chạy ra để chất hàng lên tàu chở về các chợ ở nông thôn. Từ bao đời nay, ghe thuyền là phương tiện vận chuyển hữu hiệu nhất ở vùng sông nước. Vừa tiện lợi lại ít tốn kém.

Có lẽ vậy, nên trên những sông rạch miền Tây, nơi đâu cũng có bóng dáng những chiếc xuồng ghe, những chuyến đò dọc ngược xuôi, đưa đón khách và hàng hóa về khắp nẻo. Chiếc tàu từ từ lên ga lướt sóng. Bất ngờ có một chị bạn hàng vừa lên tại chợ nổi Trà Ôn, từ tốn đi mời mọi người trái chuối nấu ăn lấy thảo, gọi là tạ lỗi vì chị mà mọi người phải chờ đợi quá lâu. Nghe chị nói vậy, một trái chuối không đáng là bao, nhưng sự biết điều ấy, cái tính hề hà của dân miền Tây, dù là người khó tính chắc cũng không nở giận cho đành.

Tàu đến bến Cần Thơ, chúng tôi tiếp tục sang tàu đi Phụng Hiệp. Tàu Cần Thơ – Phụng Hiệp có phần khác với tàu Tam Bình – Cần Thơ. Tàu khá đông khách, hàng hóa ê hề, chất đầy cả lối đi. Mọi người bổ hàng về quê bán lại. Đặc biệt là được nghe những câu chuyện bồng bềnh theo sóng nước, cứ hết người này nói, đến người kia kể.

Vô tình tôi nghe được câu chuyện đồng áng của hai bác nông dân ngồi cạnh bên khá thú vị. Một ông khề khà: “Cái thằng vàng lùn - lùn xoắn lá lỳ lợm thượng hạng, thứ thuốc gì cho nó “ăn” cũng trơ trơ, xịt thuốc muốn gãy tay, mà lúa cứ một ngày thêm vàng hoe”.

Ông già ngồi bên cười hóm hém, ra vẻ ta đây cũng một cây hiểu biết: “Tại ông chơi hổng đúng liều, nó đâu có ngán. Nghe lời tôi, ông đến phòng nông nghiệp hỏi loại thuốc nào là đặc trị, đừng nghe người này, người nọ lung tung mà tiền mất tật mang”. Rồi ông tằng hắng lên giọng: “Xã Phụng Hiệp mình đang thời kỳ xây dựng nông thôn mới, trước tết đã có cây cầu bê tông bắc qua rạch Xẻo Môn góp phần xóa cầu khỉ”. Giọng ông cảm kích: “Nghe nói cây cầu đó là do Báo Sài Gòn Giải Phóng vận động xây tặng quê mình”. 

Chợt cả tàu nhốn nháo vì có người bị trúng gió bất tỉnh, ông già ngồi kế bên tôi vội móc trong bọc ra chai dầu gió xanh, ông đưa cho chị ngồi bên: “Dầu nè, lại cạo gió giúp người ta làm phước. Nhiều bà đến ân cần săn sóc nạn nhân như người thân thuộc của mình. Hình ảnh đó khiến tôi vô cùng cảm động, dẫu đó vẫn là việc làm bình thường, đã thể hiện cái tình con người hoạn nạn có nhau, bất kể là người quen hay lạ.

Tàu đến Phụng Hiệp trời đã quá trưa, mọi người đi lên bờ bằng chiếc đòn dài, không ai bảo ai, tự động người trẻ dìu người già và xách giùm hàng hóa cho họ. Đây là một trong những sinh hoạt thường ngày của người dân sông nước. Cái mộc mạc mà chân tình của họ, cái nếp sống văn hóa miệt vườn, chính là nền tảng để xây dựng nông thôn mới.

Phía bên nhà gái, nơi thằng cháu tôi đến coi mắt vợ tương lai, đã lái tắc ráng chờ sẵn. Người anh cả phía nhà gái rót đầy một ly rượu, loại ly xây chừng, mời chúng tôi vô trăm phần trăm, gọi là bà con ngày một xa, sui gia ngày một gần.  Nhập gia tùy tục biết nói sao giờ.

Ngồi trên tắc ráng chạy phon phon, rẽ nước rào rào, tôi có cảm giác như đi trên mây, mắt nhắm mắt mở, cảnh vật hai bên bờ sông nhạt nhòa…Tôi tự cười thầm, đi “coi mắt” mà có còn nhìn thấy gì nữa đâu, có thấy chăng là cái tình của người miền Tây sông nước qua chuyến đò dọc, nó đậm đà như vị mặn muối Bạc Liêu…

Nguyễn Tường Lộc

Tin cùng chuyên mục