Đó là nhận định của khá nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng và kinh doanh địa ốc. Cơ sở để các chuyên gia đưa ra nhận định ấy là hàng loạt quy định liên quan đến lĩnh vực này vừa được Chính phủ, các bộ ngành và TP phê chuẩn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2010 sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để TP chỉnh trang và phát triển đô thị. So với các quy hoạch trước, quy hoạch lần này xác định rất rõ mô hình phát triển của TP: tập trung-đa cực. Trong đó khu vực trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu với bán kính 15km và 4 cực phát triển theo hướng Đông, Nam, Tây-Bắc, Tây-Nam.
Phát triển về hướng Đông là phát triển các đô thị có mật độ xây dựng cao dọc theo đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội. Phát triển ra hướng Nam là xây dựng đô thị theo tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ. Do nơi đây có địa chất phức tạp, nhiều sông, kênh, rạch nên chỉ phát triển các đô thị có mật độ xây dựng thấp nhằm gìn giữ cảnh quan thiên nhiên.
Phát triển theo hướng Tây-Bắc là phát triển đô thị hiện đại dọc theo Quốc lộ 22. Phát triển theo hướng Tây, Tây-Nam là phát triển đô thị theo Đại lộ Nguyễn Văn Linh với mô hình tương tự mô hình của các đô thị dọc đường Nguyễn Hữu Thọ…
Bên cạnh đồ án quy hoạch nêu trên, Luật Quy hoạch đô thị vừa được thông qua và đã có hiệu lực thi hành cũng là một cơ sở quan trọng để TP hoàn thiện các quy hoạch chi tiết và triển khai quy hoạch này trên thực tế. Đồ án quy hoạch chi tiết hay quy định về quản lý kiến trúc của một số khu vực quan trọng, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 1-2010 là những điều kiện tốt để việc phát triển đô thị của TP đi vào nề nếp.
Trong đó phải kể đến quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Sài Gòn và bờ Tây sông Sài Gòn được hoàn thiện vào cuối tháng 3-2010. Khu vực này rất quan trọng, vì là bộ mặt của TP. Căn cứ vào đồ án quy hoạch này, TP sẽ chọn được lời giải cho sự phát triển của khu vực trung tâm. Quy định về quản lý dọc đại lộ Đông-Tây, một trục giao thông đô thị mang tính chất chiến lược của TP đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn tất.
Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở QH-KT, quy định này đang được Hội đồng Kiến trúc xem xét và sẽ được trình lãnh đạo TP trong thời gian gần nhất.
Về xây dựng đô thị, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, có nhiều cơ sở để tin tưởng rằng việc phát triển các khu dân cư trong năm nay sẽ gần hơn với nhu cầu của người dân. Vì hầu hết các doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TP đều rất quan tâm đến việc xây nhà cho người thu nhập thấp.
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp tính toán đưa ra các căn hộ chung cư diện tích khoảng 70m² với giá chỉ khoảng 550-750 triệu đồng/căn ở quận 9, quận 7… Theo tính toán sơ bộ của một số công ty tư vấn, sẽ có hơn 50% số lượng căn hộ dự định đưa ra bán trong năm Canh Dần dành cho đối tượng có thu nhập vừa và thấp.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định, đây vẫn chưa là tỷ lệ hợp lý vì người giàu chỉ chiếm khoảng 5% dân số. Tuy nhiên, sự thay đổi nêu trên cũng là điều đáng mừng vì đã có một thời gian dài, phân khúc nhà cho người thu nhập thấp hầu như bất động vì nhiều lý do.
Tất nhiên, đây chỉ là những điều kiện cần để phát triển đô thị. Vì muốn phát triển bền vững, TPHCM còn rất nhiều việc phải làm như tổ chức bộ máy triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xây dựng nhà cho người thu nhập thấp. Giải quyết nhu cầu nhà cho đối tượng này không những giúp TP chỉnh trang đô thị, ngăn ngừa tình trạng xây dựng nhà trái phép mà còn giúp ổn định trật tự, an toàn xã hội.
Nguyễn Khoa