Đây là những nội dung mới nhất theo Thông tư số 40/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2019 hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, được Bộ Công thương ban hành gần đây.
Thông tư 40/2020 mới sửa đổi quy định một số nội dung đáng chú ý như: Đối với việc hỗ trợ xây dựng khu vực trưng bày, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho các DN Việt. Theo thông tư, sàn giao dịch thương mại điện tử được chọn để tổ chức gian hàng phải thuộc 50 sàn giao dịch thương mại điện tử hàng đầu thế giới theo xếp hạng của tổ chức đánh giá được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương.
Đáng chú ý, thông tư cũng quy định sẽ hỗ trợ tối đa 100% kinh phí thực hiện duy trì tư cách thành viên cơ bản cho tài khoản của đơn vị tham gia 12 tháng; duy trì tư cách thành viên đặc biệt cho đơn vị chủ trì tối đa 12 tháng để khai thác thông tin khách hàng cung cấp cho đơn vị tham gia; thiết kế nhận diện chung gian hàng của các đơn vị tham gia.
Ngoài ra, việc tuyên truyền, quảng bá, tổ chức giới thiệu thông tin về gian hàng của Việt Nam; mời các đơn vị tham gia, giao dịch; thuê gian hàng trực tuyến… của các DN sẽ được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra đã làm thay đổi nhiều cách thức kinh doanh truyền thống, những hình thức quảng bá - hội chợ trực tiếp bị gián đoạn đã ít nhiều ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của DN Việt. Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã thay đổi chiến lược xúc tiến thương mại, áp dụng số hóa trên nền tảng trực tuyến bằng việc tham gia quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch, thương mại điện tử hoặc tham gia hội chợ ảo để kết nối khách hàng. Từ đó giúp hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như xuất khẩu ổn định và tăng trưởng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 5.059,8 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD - đưa cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Những kết quả này có được theo Bộ Công thương ngoài sự chủ động, tích cực từ cộng đồng DN còn có sự trợ lực từ các hoạt động xúc tiến thương mại qua việc “online hóa”. Bộ Công thương xác định, trong năm 2021, ngoài việc hỗ trợ DN tham gia hội chợ, triển lãm trên môi trường mạng sẽ xây dựng một số nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản vào xúc tiến thương mại (XTTM). Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Bộ Công thương đang xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến về XTTM (CRM); xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc XTTM hỗ trợ nông sản. Qua đó, tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cũng như đạt các điều kiện cần và đủ khi mở rộng thị trường xuất khẩu. Nền tảng này dự kiến đưa vào sử dụng trong quý 2-2021.
Thông qua những phương thức này, các DN Việt có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua toàn cầu mà không giới hạn không gian, thời gian, thậm chí còn giúp giảm chi phí xây dựng chuỗi cung ứng cũng như thiết lập văn phòng đại diện tại các thị trường mục tiêu. Đây được đánh giá là trợ lực tốt để hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp cũng như quá trình hội nhập đang ngày càng sâu rộng.