Doanh nghiệp hợp tác kiểm soát tiêu cực

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tổ chức ngày 28-10.
Doanh nghiệp hợp tác kiểm soát tiêu cực

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp tổ chức ngày 28-10.

Nóng bỏng thủ tục thuê đất khu công nghiệp

Chi hội doanh nghiệp của Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân (KTTCN) đã làm nóng hội trường khi có tới 15 doanh nghiệp (DN) liên tục xin phát biểu. Sự việc như sau, năm 2005 UBNDTP ra quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) để đầu tư xây dựng KTTCN, nhằm tiếp nhận các cơ sở ô nhiễm phải di dời do nằm trong khu dân cư. Cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, DN tiến hành di dời vào KTTCN, tổ chức sản xuất; giá thuê đất là 300.000 đồng/m²/10 năm. “Chủ đầu tư hứa sẽ cho chúng tôi được thuê đất ổn định 50 năm và cấp chủ quyền. Lời hứa gió bay. Đến năm 2015 hết hạn hợp đồng, BCI yêu cầu chúng tôi nếu tiếp tục thuê thì đóng tiền 2 triệu đồng/m² cho 40 năm còn lại, đồng thời phải nộp 95%. Nếu không sẽ bị cưỡng chế. Chúng tôi thấy phi lý, bởi vì giấy chủ quyền chưa được cấp; không có cơ sở để đưa ra mức thu mới, dẫn tới bức xúc cộng đồng DN tại đây”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi hội DN KTTCN nói. Liên quan đến việc trong năm qua, đơn thư của DN gửi lên huyện, lên TP, đã họp giải quyết nhưng không đi tới đâu, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, trong tuần tới sở sẽ họp cùng DN để xử lý rốt ráo vấn đề.

Hoạt động sản xuất bao bì của một doanh nghiệp trong KCN Cát Lái. Ảnh: THÀNH TRÍ

Tại khu công nghiệp Cát Lái II cũng diễn ra sự việc tương tự. Theo Công ty cổ phần Máy công cụ và thiết bị T.A.T, năm 2008 công ty ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích (CTDVCI) quận 2 thuê 8.848m² KCN Cát Lái II xây dựng nhà xưởng và nhà trưng bày sản phẩm. Thế nhưng đất nhận được thực tế lại “mất đi” 909m² cho dù công ty đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính. CTDVCI quận 2 trì hoãn việc ký hợp đồng chính thức với T.A.T, chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cách nay chưa lâu, T.A.T cùng 7 doanh nghiệp khác trong KCN Cát Lái II đã phản ánh sự việc lên Thành ủy, UBNDTP. Ngày 2-8 vừa qua, CTDVCI quận 2 đã có buổi làm việc và hứa giải quyết các cam kết với Công ty T.A.T, đến nay sự việc vẫn không có chuyển biến. Đại diện Sở Tài Nguyên - Môi trường trả lời, nên kiện ra tòa vì đây là vấn đề dân sự. Lãnh đạo T.A.T mong muốn có sự hỗ trợ giải quyết của chính quyền, vì việc làm ăn rất ngại kéo nhau ra tòa. “Về mặt quản lý nhà nước, sở sẽ làm việc với CTDVCI quận 2, yêu cầu báo cáo về việc đầu tư và quản lý hạ tầng KCN, cho thuê như thế nào”, bà Vũ Thị Thanh Tâm - Phó phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên - Môi trường nói.

Thủ tục hành chính là điểm nóng thứ hai khiến nhiều DN bức xúc. Ông Trần Văn Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Chợ Lớn, kể về một dự án tại Bến Bình Đông, quận 8. Theo đó, mất 9 năm để làm thủ tục, trong đó mất 4 năm để làm thủ tục chuyển từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại (3 năm hồ sơ tại Sở Tài chính, một năm hồ sơ chuyển sang Sở Tài nguyên - Môi trường) và nay gần hoàn tất.

“Cứ nghĩ khi làm thủ tục thẩm định giá đóng tiền sử dụng đất thì là được giao đất, nhưng không phải vậy. Quy định của các bộ luật rất dông dài, đóng tiền sử dụng đất xong rồi mới làm kế hoạch sử dụng đất, chấp thuận đầu tư xây dựng, ký quỹ… vậy là dự án kéo dài, phải gánh lãi suất phi lý”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ với DN, đồng thời thông báo tin vui: TPHCM chính thức có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phân cấp và ủy quyền liên quan đến giải quyết thủ tục đất đai. Điều đó sẽ giảm thời gian đi lại, giảm phiền hà, giảm nhiều đầu mối giải quyết. Riêng sở vừa rồi đã trình UBNDTP hướng giải quyết đối với các dự án nhà ở, trong khi chờ xác định giá đất cụ thể (tức là đơn vị tư vấn đưa ra giá đất chưa được duyệt nhưng gần với giá chính thức), sẽ cho phép chủ đầu tư tạm nộp để cấp giấy chứng nhận. Từ đó chủ đầu tư có cơ sở thực hiện các bước thủ tục tiếp theo. Nhờ vậy đã tháo gỡ và giải quyết trên 10 dự án nhà ở, số tiền tạm thu tạm nộp trên 400 tỷ đồng. Dự án được tổ chức thực hiện nhanh, góp phần chỉnh trang TP. Sau khi giá đất được duyệt chính thức, phần các DN nộp bổ sung sẽ được cấp đổi lại giấy chứng nhận chính thức cho chủ đầu tư.

Sản xuất bao bì trong Khu công nghiệp Cát Lái. Ảnh: Thành Trí

Chung tay ngăn chặn tiêu cực môi trường

Một vấn đề khác sát sườn với đời sống hàng ngày, đó là phản ánh của bà Nguyễn Thị Bính, giám đốc một công ty làm bún tươi, phở, bánh canh, về câu chuyện thanh tra, kiểm tra xử lý ô nhiễm trong quá trình sản xuất, trở thành vấn đề bức bối. Sau khi hài ra hàng loạt nghi vấn bà đề nghị, cần ngăn chặn vấn đề tiêu cực môi trường. DN này cũng đặt câu hỏi: Năm 2014 công ty có kiến nghị TP thành lập KCN - tiểu thủ công nghiệp làng nghề, TP có văn bản trả lời là giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường triển khai, sự việc tới đâu rồi?

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TP đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất để thành lập KCN giải quyết cho các DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP để có nơi sản xuất, đảm bảo môi trường và phát triển kinh tế xã hội TP. Đó là KCN Lê Minh Xuân 3 tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, có quy mô 10ha. “Về ngăn chặn tiêu cực môi trường, chỉ thực hiện được với sự tiếp sức của người dân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước. Nếu đơn độc một mình chúng tôi không thể nào kiểm tra kiểm soát được. Từ những đường dây nóng công khai, các DN hãy cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ bảo mật thông tin, mục tiêu là kiểm soát và làm tốt vấn đề quản lý nhà nước, tránh tiêu cực xảy ra và phát sinh những chi phí không chính thức, mà TPHCM bị đánh giá rằng chi phí này đang gia tăng. Do đó, mỗi người một tay kiểm soát vấn đề này mới đến nơi đến chốn được”, ông Thắng kêu gọi.

Một DN tại huyện Bình Chánh cho biết, gặp khó khăn về vốn nên làm thủ tục tách thửa phần đất cha mẹ cho con nhằm thế chấp ngân hàng vay vốn thì địa phương có văn bản trả lời, Sở Tài nguyên - Môi trường đã ban hành văn bản 438 tạm ngưng việc tách thửa trên địa bàn TP. Ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định vẫn giải quyết bình thường, nếu có trong quy hoạch và phù hợp với quy hoạch, không thể có chuyện phải ngưng lại…

Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục