Theo Bộ Công thương, nghị định này giúp cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ có thể dễ dàng gia nhập thị trường xuất khẩu gạo.
Theo đó, nghị định đã tạo nhiều điều kiện thông thoáng cho DN như giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường, các DN không phải đầu tư mua kho chứa, máy xay xát như trước đây mà có thể đi thuê; không còn giá sàn xuất khẩu gạo, không phải đăng ký xuất khẩu gạo qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam…
Ngoài ra, nghị định còn khuyến khích đầu tư sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo và xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có hơn 140 DN có giấy phép xuất khẩu gạo. Tính đến giữa tháng 10, sản lượng xuất khẩu đạt 5 triệu tấn, tăng 4% về số lượng và tăng 17,7% về giá trị. Thị trường chính của gạo Việt Nam là các nước châu Á chiếm 67,9%, châu Phi là 11,7%, châu Mỹ 8%, Trung Đông 6,3%...
Cùng ngày, hơn 50 doanh nghiệp và 150 mô hình chuyển nhượng quyền thương hiệu đã tham gia hoạt động tìm hiểu và trao đổi về thị trường chuyển nhượng thương hiệu tại Triển lãm về chuyển nhượng quyền thương hiệu, do Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức, diễn ra tại TPHCM. Trong các doanh nghiệp và mô hình chuyển nhượng lần này, ngoài sự tham dự của các thương hiệu nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Pháp, Tây Ban Nha… còn có sự tham gia của rất nhiều thương hiệu đến từ Việt Nam.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế tham dự tại triển lãm, hiện sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nước ta bước đầu giảm về lượng nhưng tăng về giá trị gia tăng. Về phía Bộ Công thương cũng đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu, chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu để gia tăng giá trị khi xuất khẩu. Các tham tán thương mại tại các thị trường trên thế giới cũng đang nỗ lực xúc tiến đưa thương hiệu Việt trực tiếp vào thị trường nước ngoài.
Trên thực tế, với những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và có thương hiệu như Trung Nguyên, Việt Tiến, An Phước… đã thực hiện chuyển nhượng thương hiệu tại nhiều thị trường trên thế giới. Riêng với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ cũng đang cải thiện bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường thế giới hoặc gián tiếp vào hệ thống phân phối ngoại tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là thị trường màu mỡ cho hoạt động chuyển nhượng thương hiệu từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Bởi thị trường Việt Nam hội đủ các yếu tố tiềm năng như thị trường tiêu dùng lớn, mức thu nhập tăng nhanh và một thế hệ người tiêu dùng trẻ năng động… Qua đó, mang lại triển vọng lạc quan cho ngành bán lẻ cũng như nhượng quyền thương mại phát triển và có thể tăng gấp đôi trong 5 năm tới.