Đơn sơ nhưng tuyệt phẩm
Từ lâu, những bức tranh nghệ thuật: phong cảnh, thủy mặc cho đến chân dung của các họa sĩ nổi tiếng được vẽ lên từ màu công nghiệp, màu tự nhiên hoặc sự pha trộn của nhiều loại màu để tạo nên một màu đặc trưng theo “gu” của tác giả. Nhưng từ một loại lá thốt nốt bình thường, nghệ nhân Võ Văn Tạng sử dụng loại bút hàn điện tử gọi là “bút lửa” khò hơi nóng trực tiếp lên lá theo công thức “đậm, nhạt” để tạo màu đúng ý đồ. Ông Võ Văn Tạng là một trong những người hiếm làm được điều này, chúng tôi tạm gọi ông là vị cha đẻ của dòng tranh lá thốt nốt.
Mất nhiều giờ đồng hồ để ngược đường từ Cần Thơ lên tận thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, chúng tôi tìm đến cơ sở nhỏ của ông Tạng, nơi đang có chục “nghệ nhân trẻ” được ông Tạng đào tạo, đang gia công nhiều bức tranh đủ cỡ, đa thể loại, theo yêu cầu của khách hàng. Tiếp chúng tôi, ông kể những bức tranh ngày ấy chủ yếu dành tặng bạn bè, người thân. Sau khi được mọi người khen ngợi, từ năm 2003, ông mạnh dạn thành lập một cơ sở tranh lá thốt nốt với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Điều làm cho chúng tôi và cả giới hội họa phải ngỡ ngàng là vì ông Tạng nguyên là giám đốc chi nhánh một ngân hàng, đã nghỉ hưu, không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng những tác phẩm của ông làm ra lại độc nhất vô nhị. Mỗi bức đều có thần thái, được chấm phá bằng gam màu riêng mà giới hội họa nhận định là sự phá cách, vượt qua khuôn khổ, quy tắc cơ bản của sự phối màu.
Ông Tạng chia sẻ, ông đam mê hội họa từ nhỏ nhưng không có điều kiện học chuyên sâu, chủ yếu là vẽ theo ý thích. Hiện có quá nhiều dòng tranh nên ông muốn tạo ra một bức tranh khác hẳn với các loại tranh khác, tạo điểm nhấn nhá riêng để mọi người biết đến. Đặc biệt, tranh phải nói về quê hương của mình. Ông nảy sinh ý tưởng vẽ tranh trên lá thốt nốt, một loại lá được xem là “đặc sản” của vùng Bảy Núi An Giang.
Theo ông Tạng, lá thốt nốt rất bền, tuổi thọ có thể lên đến cả trăm năm, không bị mối mọt, đó cũng là lý do để ông chọn nguyên liệu. Hoàn thành một bức tranh với họa tiết đẹp mắt, độc đáo, đạt đến độ tinh xảo không hề đơn giản. Muốn vậy, phải chọn lá cây thốt nốt khi cây được 8 năm tuổi trở lên mới đủ độ bền dẻo. Cắt lá vào ngày nắng, rồi phơi khô trong khoảng một tuần, sau đó ngâm phèn chua, tiếp tục phơi. Chỉ người trong nghề mới biết khi nào sử dụng được lá. Lá được cắt thành từng thanh nhỏ với bề rộng khoảng 2,5cm, dán lên một tấm giấy cứng, bắt đầu vẽ. Nếu họa tiết cần màu đen chỉ cần dùng “bút lửa” cho lá cháy đậm. Đây là công đoạn quan trọng, người vẽ không chỉ có khiếu mà phải có kinh nghiệm, sự am hiểu. Nếu nhiệt độ của “bút lửa” quá nóng, lá bị cháy là coi như làm lại, nghệ nhân chia sẻ.
Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Từ khi thành lập cơ sở, ông Tạng đã tạo nên nhiều bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Tôn, quê hương Bảy Núi, Tùng Hạc; những bức tranh phong thủy Mã đáo thành công; hàng trăm bức theo yêu cầu của khách hàng. Hữu xạ tự nhiên hương, cơ sở của ông đã thu hút nhiều người gần xa tìm đến, chiêm ngưỡng, đặt tranh làm quà tặng cho bạn bè, đối tác.
Tranh lá thốt nốt nói lên văn hóa đặc trưng của đất và người An Giang nên chính quyền địa phương rất chú trọng dùng quảng bá hình ảnh địa phương, làm quà tặng lưu niệm cho nhiều đoàn công tác đến An Giang giao lưu, học tập kinh nghiệm. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông Tạng đã nhận dạy học trò, đa phần là người địa phương. Ông nói, khi thuần thục, các em không chịu ra nghề, vẫn ở lại làm, tùy vào tay nghề, tôi trả lương từ 3 triệu đồng một em trở lên. Do mỗi bức tranh giá trung bình từ 400.000 đến 1,6 triệu đồng, vừa túi tiền nên khách hàng rất chuộng.
Nghệ nhân trẻ tên Nhi, cho biết, sau hơn 3 năm học nghề, em đã vẽ thành thạo được một số thể loại tranh, duy chỉ tranh chân dung thì cần phải học nhiều hơn. Nhi nói, tranh chân dung khó nhất là tạo cho nhân vật đúng thần thái, đặc biệt những chi tiết trên khuôn mặt rất khó thực hiện. “Với đam mê, chịu học hỏi, em tin mình sẽ làm được”, Nhi tâm sự.
Với những đóng góp của nghệ nhân Võ Văn Tạng, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập ông là “Nghệ nhân làm tranh bằng lá thốt nốt nhiều nhất Việt Nam” và kỷ lục bức tranh “Di chúc Bác Hồ làm bằng lá thốt nốt lớn nhất Việt Nam” vào năm 2010. Năm 2016, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì những cống hiến trong việc giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.