Những ngày gần đây, tại TPHCM đã xảy ra tình trạng người dân ùn ùn kéo đi đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ chất liệu giấy bìa sang chất liệu nhựa PET, mà nguyên nhân chỉ vì nghe theo những tin đồn thất thiệt. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi nhanh với ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, về vấn đề này.
*PV: Ông có thể nói gì về tình hình người dân đi đổi GPLX mới (GPLX bằng chất liệu nhựa PET) tăng đột biến trong những ngày qua?
- Ông VÕ TRỌNG NHÂN: Số liệu ghi nhận từ toàn bộ các địa điểm cấp đổi GPLX hiện hữu thuộc Sở GTVT TPHCM cho thấy, từ đầu tháng 12 đến nay, lượng người dân đi đổi GPLX từ chất liệu bìa giấy sang thẻ nhựa PET đã tăng lên trên dưới 2.000 trường hợp/ngày, so với bình thường trước đó chỉ dao động ở mức 1.500 - 1.600 hồ sơ/ngày. Sự tăng vọt này hầu hết do người dân hiểu chưa đúng về quy định cấp đổi GPLX sang thẻ nhựa của Bộ GTVT.
Người dân đến đổi GPLX thẻ nhựa PET tại Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Ảnh: CAO THĂNG
* Những quy định mới nhất của Bộ GTVT liên quan đến vấn đề này như thế nào?
- Thực ra theo quy định ở Điều 57 trong Thông tư số 58/2015/TT-BGTVT do Bộ GTVT ban hành ngày 30-10-2015, lộ trình chuyển đổi GPLX bằng giấy bìa sang vật liệu nhựa PET có kỳ hạn hợp lý và thời gian để người dân thực hiện chuyển đổi còn rất dài. Cụ thể, GPLX ô tô các loại và GPLX hạng A4 (dành cho xe máy cày) được Bộ GTVT cho thời hạn chuyển đổi từ nay đến trước ngày 31-12-2016, trong khi GPLX không thời hạn, tức các hạng A1, A2 và A3 được yêu cầu phải chuyển đổi chậm nhất trước ngày 31-12-2020. Nếu sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi ấy, người dân mới đi đổi GPLX sang thẻ PET, thì khi ấy người dân sẽ phải trải qua kỳ sát hạch lại phần lý thuyết.
* Vì lý do gì đó, người dân để quá 6 tháng sau kỳ hạn trên mới đi đổi sang GPLX chất liệu PET thì họ phải đóng thêm chi phí gì hay không?
- Về quy trình, nếu để quá hạn 6 tháng mới đi đổi GPLX, cụ thể nếu để đến 1-7-2017 đối với GPLX ô tô các loại và GPLX hạng A4 và đến 1-7-2021 đối với GPLX các hạng A1, A2, A3, thì người dân sẽ phải đóng lệ phí cấp đổi là 135.000 đồng/hồ sơ và phải khám lại sức khỏe.
* Người dân thành phố có thể liên hệ đổi GPLX tại những địa chỉ nào?
- Người dân có thể liên hệ để đổi GPLX tại bất kỳ địa điểm nào trong số các địa chỉ sau đây: Cơ sở cấp đổi GPLX số 1 đặt tại 51/2 Thành Thái (phường 14, quận 10); Cơ sở 2 tại số 8 Nguyễn Ảnh Thủ (phường Trung Mỹ Tây, quận 12); Cơ sở 3 tại 256 Dương Đình Hội (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9); Cơ sở 4 tại 16A Lê Hồng Phong nối dài (phường 12, quận 10); Cơ sở 5 tại 111 Tân Sơn Nhì (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú); Cơ sở 6 tại 252 Lý Chính Thắng (phường 9, quận 3). Trong số này, riêng cơ sở 6 chỉ tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX có yếu tố nước ngoài hoặc hồ sơ đã đăng ký trước qua Tổng đài 1081.
* Trước tình trạng lượng người đến đổi GPLX tăng vọt, Sở GTVT đã có giải pháp gì?
- Ngay khi nhận thấy số lượng người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX sang vật liệu PET tăng vọt, Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX đã tiến hành đồng thời một loạt biện pháp để ứng phó. Cụ thể, chúng tôi bố trí thêm máy in thẻ, điều động tăng thêm nhân sự chuyên trách cũng như tuyên truyền rộng rãi bằng băng rôn tại tất cả các điểm cấp đổi GPLX thuộc sở. Trên các băng rôn truyền tải rõ ràng, chi tiết những quy trình, quy định về cấp đổi GPLX để người dân hiểu rõ và hiểu đúng vấn đề.
* Ông có lời nhắn gửi nào đến người dân thành phố đang có nhu cầu đổi GPLX sang thẻ nhựa PET?
- Thay mặt Sở GTVT, chúng tôi lưu ý người dân không nghe theo tin đồn thất thiệt rồi hoang mang, đổ xô đi đổi GPLX, vừa mệt mỏi cho người dân vừa làm quá tải cho cơ quan chức năng. Còn khi đi đổi, chúng tôi đề nghị người dân không qua trung gian mà hãy liên hệ trực tiếp với nhân viên của điểm tiếp nhận cấp đổi GPLX để không bị xảy ra sự cố lừa đảo, đáng tiếc.
THIỆN NHÂN thực hiện