Giới quan sát không quá bất ngờ khi người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert thông báo Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc dự kiến được tổ chức tại Đức vào tháng 9 tới đã bị hoãn do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động đi lại trên toàn cầu. Đại dịch Covid-19 là lý do không thể hợp lý hơn cho việc hoãn vô thời hạn hội nghị quy mô này. Tuy nhiên, có thực sự chỉ vì dịch?
Báo Le Monde của Pháp cho rằng, nếu mọi việc diễn ra như kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, nơi tập hợp các nhà lãnh đạo của 27 nước và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được kỳ vọng trở thành trọng tâm trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên 6 tháng của Đức tại EU (kể từ ngày 1-7 tới).
Đây cũng là cơ hội để Bắc Kinh thấy thực sự là khối 27 chứ không phải chỉ 17 quốc gia theo mô hình “17+1” vốn được Trung Quốc thúc đẩy. Mô hình “17+1” tức 17 quốc gia từ Trung Âu và Balkan (bao gồm 11 quốc gia là thành viên của EU) mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm như là một phần của chiến lược Con đường tơ lụa mới, tạo điều kiện cho nước này hiện diện trong nhiều lĩnh vực của châu Âu. Sự kỳ vọng càng lớn khi mối quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp hơn trong đại dịch.
Đối với châu Âu, Trung Quốc vừa là đối tác cần thiết trong các vấn đề quốc tế lớn, nhất là vấn đề khí hậu và nợ của các nước châu Phi, đồng thời cũng là đối tác cạnh tranh kinh tế và là “đối thủ có hệ thống”.
Căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, với viễn cảnh là một cuộc chiến tranh lạnh mới, ngày càng làm nảy sinh thêm những khó khăn. Châu Âu không muốn chấp nhận thái độ đối đầu cởi mở như đồng minh Mỹ của mình đối với Trung Quốc nhưng cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước các lời than phiền của thế giới về Trung Quốc.
Do đó, Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc sẽ diễn ra trong bối cảnh rất căng thẳng, khả năng sẽ có tranh luận về vấn đề Hồng Công. Chính vì vậy, tình hình bệnh dịch là lý do tốt cho việc hoãn hội nghị thượng đỉnh bởi rõ ràng cơ hội đạt được kết quả hữu hình sau hội nghị sẽ rất khó xảy ra. Điều này giống một phương trình, như một quan chức cấp cao của Đức từng nói, sao cho “thiết lập quan hệ hợp tác tốt với Bắc Kinh bằng cách đối thoại về các giá trị”.
Phương trình tương tự như mệnh lệnh kép được Paris đặt ra liên quan đến Trung Quốc: “Cam kết và yêu cầu”. Nếu muốn tránh phải lựa chọn giữa Bắc Kinh và Washington trong cuộc đối đầu hiện nay, EU phải bắt đầu bằng cách quyết định một chiến lược rõ ràng đối với Trung Quốc, trong đó có tính đến sức mạnh, lợi ích và giá trị của khối.
Thủ tướng Merkel từng hy vọng trong 6 tháng giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, Chính phủ Đức sẽ thúc đẩy quan hệ giữa EU với Trung Quốc. Năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và EU, do vậy cả hai bên đều đặt nhiều kỳ vọng vào năm nay.
Tuy nhiên, bà Merkel mới đây tuyên bố trọng tâm trong các nỗ lực của Đức trong thời gian giữ cương vị này sẽ là cuộc chiến chống Covid-19, việc khắc phục những tác động kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề môi trường. Một mục tiêu như vậy cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU sẽ có ý nghĩa hơn một hội nghị thượng đỉnh quy mô mà theo truyền thông, hội nghị đó chắc chắn không hiệu quả.