Đồng bằng sông Cửu Long: Thúc tiến độ dự án, khơi thông vốn đầu tư công

Tính đến cuối tháng 9-2021, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và năm 2020 chuyển sang của tỉnh Cà Mau đạt 1.684/3.615 tỷ đồng, bằng 46% kế hoạch vốn đã phân bổ. Còn tỉnh Kiên Giang đã giải ngân được 1.867/5.198 tỷ đồng, đạt gần 36% kế hoạch vốn. 

Trong khi đó, dự án Bạc Liêu giải ngân được khoảng 32% (trong 3.330 tỷ đồng) vốn được phân bổ… Quãng thời gian từ đây đến cuối năm không còn nhiều, đòi hỏi các tỉnh ĐBSCL sớm có giải pháp hiệu quả để thúc tiến độ dự án, khơi thông nguồn vốn đầu tư.

Thi công tuyến đê ở khu vực cống Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) 
Điểm tên các dự án... chậm

Nhiều gói thầu thuộc dự án đầu tư nâng cấp đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau thi công chậm tiến độ, phải gia hạn nhiều lần. Trong đó, điển hình là 2 gói thầu thi công tuyến đê ở khu vực cống Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), được khởi công vào tháng 9-2019 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Song, qua các lần gia hạn (gần nhất là đến tháng 8-2021), đến nay công trình vẫn dang dở. Nhà thầu chỉ mới thi công hoàn thành các hạng mục đắp đất mái đê, chân đê, đóng kè gia cố chân đê, bơm cát, trải đá nền đường trên đê…, khối lượng thi công còn lại khá nhiều, và chưa biết bao giờ dự án hoàn thành. Giám đốc Công ty TNHH Đức Tâm Hiệp (đơn vị thi công công trình) Trần Trọng Toàn giãi bày: “Công trình chậm tiến độ do ảnh hưởng dịch Covid-19, các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội nên việc tập trung công nhân gặp khó khăn. Hiện đang vào mùa mưa bão nên việc bơm bùn tạo phản áp chân đê gặp khó, chờ biển êm mới thi công được. Ngoài ra, do công trình phát sinh khối lượng cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ”.

Tại Kiên Giang, công trình Bệnh viện Ung bướu quy mô 400 giường là công trình trọng điểm của tỉnh, do Công ty TNHH Trường Phát thi công, giá trị hợp đồng trên 589 tỷ đồng, thời gian thi công 960 ngày (kể từ ngày giao mặt bằng). Hiện công trình mới thi công hoàn thành ép cọc thử 22 tim, do đó, đến cuối năm 2021 không thể giải ngân hết nguồn vốn đã được bố trí. Tương tự, 2 dự án trọng điểm khác là công trình Trung tâm Y tế huyện U Minh Thượng và công trình Trung tâm Y tế huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) cũng thực hiện rất chậm. Giữa tháng 9-2021, cả 2 công trình mới thông qua hội đồng thẩm định, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và đang chờ cấp có thẩm quyền quyết định. Vì vậy, khả năng tiêu hết vốn được bố trí (60 tỷ đồng) của 2 công trình là rất khó.

Chuyển vốn cho nơi giải ngân tốt

Các chủ đầu tư cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện có những phát sinh, điều chỉnh quy mô, hạng mục đầu tư để phát huy hiệu quả, vì vậy phải làm lại các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thiết kế gây mất nhiều thời gian. Đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng luôn chậm, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Ông Bùi Phước Châu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Kiên Giang, phát biểu: “Do ảnh hưởng  dịch Covid-19 nên nhiều dự án phải tạm ngừng thi công hoặc có thi công hạn chế. Bên cạnh đó, những tháng đầu năm do giá thép tăng, ảnh hưởng đến các gói thầu thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định…”. Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, sẽ trình HĐND tỉnh điều chuyển vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt nhưng còn thiếu vốn, để tăng tỷ lệ giải ngân (tổng vốn điều chỉnh dự kiến khoảng 433 tỷ đồng). Cùng đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu người đứng đầu sở ngành và địa phương báo cáo cụ thể việc thực hiện các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn. Đối với các dự án có điều kiện, tiến độ thực hiện tốt thì yêu cầu các đơn vị mạnh dạn đề xuất bổ sung vốn để triển khai hoàn thành hoặc vượt tiến độ.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, đã yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, hoàn thiện bảng đăng ký tiến độ giải ngân của từng dự án cụ thể, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng. Chủ động phối hợp với các ngành để đẩy nhanh tiến độ, xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề phát sinh, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn năm 2021 càng nhiều càng tốt.

Mới đây, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức cuộc họp với các sở ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Theo đó, tổng nguồn vốn phân bổ cho các dự án trong năm hơn 2.400 tỷ đồng; đến nay giải ngân gần 55% (chậm 12% so cùng kỳ). Trước tình hình trên, các chủ đầu tư cam kết đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân đạt 95% trở lên nguồn vốn được giao. Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, yêu cầu các chủ đầu tư nỗ lực hơn nữa nhằm đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt tối thiểu 95% nguồn vốn được giao trong năm nay. Các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu giải ngân không đạt.

Tin cùng chuyên mục