Đồng Nai: Đẩy mạnh hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Sáng 16-8, tại TP Biên Hoà, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm (2018- 2023) về thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, đại diện các sở ngành, huyện, TP và các HTX sản xuất nông nghiệp.

Clip: Hội nghị sơ kết 5 năm về thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Tỉnh Đồng Nai hiện có 207 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 106 doanh nghiệp, 63 HTX và 14.431 trang trại, hộ gia đình tham gia liên kết. Trong lĩnh vực trồng trọt có 151 chuỗi liên kết được xác lập với quy mô 36.239,37ha và 13.379 hộ nông dân tham gia, chăn nuôi có 44 chuỗi liên kết được xác lập với quy mô hơn 1,2 triệu con heo, 8 triệu con gà.

Xuân Lộc là địa phương có 9 dự án/kế hoạch liên kết, chiếm hơn 50% số chuỗi liên kết được phê duyệt của tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại hội nghị

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tham luận của Sở Công thương, Sở KH-ĐT, UBND các huyện, HTX về những khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm như: tình hình “xé rào” của bà con nông dân khi liên kết với HTX, cơ chế chính sách, hỗ trợ vốn cho nông dân còn hạn chế, hình thành cánh đồng mẫu lớn.

Đại diện UBND huyện Xuân Lộc thảo luận tại hội nghị

Đại diện UBND huyện Xuân Lộc thảo luận tại hội nghị

Đại diện UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, huyện có 42.740 ha đất nông nghiệp, chiếm 91,3% diện tích tự nhiên, trong đó quy hoạch 19 vùng chuyên canh, diện tích 5.552ha ở các xã Xuân Đông, Xuân Tây, Lâm San, Xuân Mỹ. Huyện tập trung xây dựng cánh đồng lớn, chuỗi liên kết sản xuất, tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi liên kết thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất tại vùng nguyên liệu đã hình thành. Tuy nhiên, tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp còn nhiều và người nông dân đang cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhà khoa học định hướng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản.

Đại diện doanh nghiệp chăn nuôi huyện Long Thành nói về những khó khăn trong phát triển liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

Đại diện doanh nghiệp chăn nuôi huyện Long Thành nói về những khó khăn trong phát triển liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

Đại diện HTX Suối Cát (huyện Xuân Lộc) với gần 100 hộ dân đang thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao. HTX đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty Marou và Công ty Bamboo lo đầu ra cho nông dân, làm ra nhiều sản phẩm tiếp cận với nhiều doanh nghiệp nước ngoài là Đức, Anh, Bỉ, Trung Quốc. Nhiều vườn trước đây cho thu nhập thấp, giờ đạt 200 - 300 triệu đồng/ha. Đại diện HTX phấn khởi: “Vườn ca cao trở thành điểm tham quan, du lịch và là nơi học tập, trải nghiệm bổ ích cho các sinh viên, học sinh. HTX cũng tổ chức tập huấn Fair Traide cho nông dân và người dân yên tâm thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ ca cao”.

Cánh đồng lúa xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc đang trở thành điểm du lịch sinh thái

Cánh đồng lúa xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc đang trở thành điểm du lịch sinh thái

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, tỉnh có lợi thế trong việc phát triển chuỗi liên kết vùng, tiêu thụ sản phẩm nên cần phải tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả. Qua đó, ông đề nghị Sở NN-PTNT phối hợp với các sở ngành, huyện và TP kiểm tra, rà soát và phát huy hiệu quả các chuỗi liên kết hiệu quả, không làm đứt gãy chuỗi liên kết. Đồng thời, ngành chức năng cần tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản có kế hoạch sản xuất phù hợp với xu thế tiêu dùng, gắn với nhu cầu của thị trường.

Tin cùng chuyên mục