Đồng Nai đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm chăn nuôi

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức hội nghị sơ kết 2,5 năm thực hiện dự án Quản lý chăn nuôi trang trại gia súc, gia cầm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Qua đó, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai sẽ đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm, công nghệ số vào chăn nuôi.

Đăng ký chăn nuôi trên phần mềm

Đồng Nai có hơn 1.400 trang trại đăng ký khai báo và duy trì đăng ký khai báo trên phần mềm, gần 1.200 cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia và được cấp tài khoản truy xuất nguồn gốc. Nhưng so với kỳ vọng, kết quả thực hiện còn khá khiêm tốn nên ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, đăng ký quản lý để có sản phẩm an toàn, tạo lợi thế cạnh tranh và đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, kiểm soát được ô nhiễm môi trường.

Mô hình chăn nuôi heo mang lại hiệu quả cao ở huyện Trảng Bom

Mô hình chăn nuôi heo mang lại hiệu quả cao ở huyện Trảng Bom

Những năm gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp tỉnh đã rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm động vật và xem đây là một trong những giải pháp thiết thực giải quyết nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm an toàn, sạch bệnh.

Từ cuối tháng 11-2021, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai thuê phần mềm quản lý đàn và thông tin dịch bệnh (Te-Food) của Công ty TNHH Công nghệ Tiên Tiến Dao để khai báo đàn vật nuôi trên phần mềm. Sở cũng dùng phần mềm quản lý trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ Blockchain, khai báo cáo trên vật nuôi chính heo, bò, gà. Đến tháng 11-2022, phần mềm đã nâng cấp, khai báo trên 35 đối tượng chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trên ứng dụng về các triệu chứng, hình ảnh, số lượng chết để lực lượng chức năng xử lý kịp thời.

Tìm hiểu qua một số hộ nuôi heo ở huyện Thống Nhất cho thấy, đa số các chủ trang trại, người nuôi heo dùng phần mềm quản lý chăn nuôi Te-food ứng dụng công nghệ 4.0 truy xuất nguồn gốc để quản lý đàn chăn nuôi và thu thập, xử lý thông tin chống dịch bệnh. Mô hình thu hút nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi tham gia và đang được ứng dụng vào các trang trại, hộ chăn nuôi gia đình.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Đồng Nai có hơn 34.000 con heo được đeo vòng và dán tem truy xuất nguồn gốc, hơn 1.100 trang trại khai báo chăn nuôi trên phần mềm quản lý chăn nuôi Te-food (đạt tỷ lệ khoảng 69,5%). Đây là tín hiệu đáng mừng tạo động lực giúp ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp tục nhân rộng đến các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp chăn nuôi trong tỉnh.

Truy xuất nguồn gốc từ cơ sở chăn nuôi

Dự án Quản lý chăn nuôi trang trại gia súc, gia cầm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật được triển khai thực hiện trong 2,5 năm. Hiện số trang trại khai báo định kỳ trên phần mềm đạt tỷ lệ thấp do công tác khai báo trên phần mềm chưa được luật hóa, chủ yếu là vận động, tuyên truyền thực hiện. Các địa phương chưa thấy hết lợi ích, chưa quyết liệt các cơ sở chăn nuôi nên kê khai chưa đầy đủ.

Ông Vũ Văn Vĩnh (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa quen với việc truy xuất nguồn gốc trại chăn nuôi heo

Ông Vũ Văn Vĩnh (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa quen với việc truy xuất nguồn gốc trại chăn nuôi heo

Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP tại một số trang trại nuôi heo ở huyện Trảng Bom, đa số các trang trại thường giao trưởng trại sử dụng số điện thoại cá nhân để đăng ký, khai báo qua phần mềm Te-Food. Thế nhưng, vị trí này luân chuyển liên tục nên việc thực hiện khai báo không đầy đủ, bị gián đoạn và không duy trì công tác khai báo định kỳ.

Anh Vũ Văn Vĩnh (xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) vừa nuôi cả heo nái và heo thịt, nói: “Việc truy xuất nguồn gốc của heo rất khó vì các hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún chiếm đa số, cộng thêm việc nuôi heo để bán cho người dân trong tỉnh, chưa chú trọng thịt heo mình nuôi vào siêu thị, xuất khẩu nước ngoài. Bà con nuôi heo vốn quen cách làm truyền thống, khi có công nghệ hiện đại rất ngại thay đổi tư duy”.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đề ra mục tiêu đến năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh có 100% trang trại chăn nuôi đăng ký và báo cáo trên phần mềm, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tham gia các chuỗi đăng ký và báo cáo trên phần mềm, công tác quản lý chăn nuôi gắn với công tác phòng chống dịch bệnh; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và truy xuất nguồn gốc, các chính sách hỗ trợ chăn nuôi, thú y được đảm bảo.

Sở NN-PTNT Đồng Nai đang sử dụng phần mềm quản lý trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ Blockchain sẵn có để biết số lượng vật nuôi, phát hiện sớm nhất về tình hình dịch bệnh, quản lý về dịch bệnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, kết quả thực hiện 2 dự án trên còn khá khiêm tốn và trong thời gian tới, việc quản lý phát triển chăn nuôi phải đảm bảo các yếu kiểm soát được dịch bệnh, kiểm soát được ô nhiễm môi trường, trong đó cần tập trung đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc, đăng ký quản lý để tạo sản phẩm an toàn, tạo hàng hóa có lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Sở NN-PTNT cần hoạch định chính sách phát triển chăn nuôi, đưa ra cảnh báo dịch bệnh sớm và truy xuất nguồn gốc từ cơ sở chăn nuôi, quản lý chất thải, bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục