Không chỉ có Malaysia, nhiều quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, vấn nạn mà họ xem là bôi bẩn hình ảnh đất nước.
Cán bộ cấp cao không thoát
Theo MACC, các quan chức nói trên, tuổi từ 32-55, đã nhận khoảng 2.400 USD tiền “thù lao” hàng tháng từ các tài xế xe tải. Tổng số tiền mà họ đã nhận cho đến nay vào khoảng 140.000 ringgit.
Trước đó, hôm 16-4, MACC cũng đã bắt giữ 31 người, trong đó có 23 cán bộ Sở Giao thông đường bộ Penang, với tội danh tương tự. Ủy viên MACC Datuk Seri Azam Baki tuyên bố giám đốc và các quan chức cấp cao khác của JPJ bị nghi ngờ có liên quan đến vụ việc cũng sẽ được yêu cầu trình diện, nếu cần thiết, để hỗ trợ việc điều tra. Việc yêu cầu các quan chức cấp cao của JPJ trình diện chỉ được tiến hành sau khi quá trình lấy lời khai các quan chức bị bắt giữ được hoàn thành.
Vụ “bảo kê” lái xe tải diễn ra trong thời điểm Malaysia cũng đang xét xử cựu Thủ tướng nước này Najib Razak về các cáo buộc tham nhũng liên quan vụ bê bối Quỹ đầu tư nhà nước 1Malaysia (1MDB) - do ông Najib sáng lập năm 2009 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Malaysia, thông qua quan hệ đối tác toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong phiên xét xử đầu tiên ngày 3-4, ông Najib đối mặt với 7 tội danh được cho là giúp ông “bỏ túi” khoảng 10,3 triệu USD lấy từ Quỹ 1MDB. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tiền mà ông Najib bị buộc tội đánh cắp từ quỹ này. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, tổng số tiền “thụt két” này có thể lên tới 4,5 tỷ USD.
Vụ bê bối liên quan đến quỹ 1MDB là một trong các lý do khiến cử tri Malaysia quay lưng lại với liên minh của ông Najib trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5-2018, sau 60 năm liên minh này nắm quyền và chuyển sang ủng hộ liên minh của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Đầu năm nay, Chính phủ Malaysia đã công bố kế hoạch chống tham nhũng 5 năm nhằm tăng cường kiểm soát tham nhũng ở các cơ quan chính phủ.
ASEAN tích cực thay đổi hình ảnh
Theo xếp hạng Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2018 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), Myanmar đứng thứ 132 trên tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 2 bậc so với năm 2017. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Myanmar có thể cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng CPI khi quốc gia Đông Nam Á này đang cho thấy sự quyết tâm trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Luật chống tham nhũng năm 2013 đã được sửa đổi nhằm trao quyền nhiều hơn nữa cho Ủy ban Chống tham nhũng (ACC) của Myanmar, cho phép ACC có quyền tiến hành các cuộc điều tra sơ bộ dựa trên những thông tin cơ quan này có được, như dấu hiệu của tài sản bất thường.
Trước đó, ACC chỉ có thể điều tra nếu có khiếu nại. Và ACC đang cho thấy vai trò tích cực của mình trong cuộc chiến chống tham nhũng khi đã đệ trình vụ kiện nhằm vào cựu Cục trưởng Cục Quản lý dược và thực phẩm U than Htut hay góp phần “đưa” Phó Cục trưởng Cục Thú y và lò mổ U Khaing Soe Hla vào tù vì tội nhận hối lộ…
Trong khi đó, bên cạnh kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, chống tham nhũng cũng là vấn đề được các cử tri Indonesia dành sự quan tâm đặc biệt trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 17-4 vừa qua. Cũng theo bảng xếp hạng CPI năm 2018, Singapore đứng thứ 3 trong số các nước nói không với tham nhũng, tăng 3 bậc so với năm 2017. Tất cả là nhờ những chính sách chống tham nhũng quyết liệt và hiệu quả của đảo quốc Sư tử.
Cục Điều tra chống tham nhũng Singapore (CPIB) cho hay tình trạng tham nhũng của nước nay được kiểm soát và số lượng đơn khiếu nại cũng như các trường hợp được đưa vào diện điều tra rất thấp.