Nghệ thuật và công nghệ số
“Cổng trời” là dự án sẽ số hóa và định danh các phẩm văn hóa mà trước mắt là tác phẩm mỹ thuật bằng công nghệ NFT (công nghệ Non Fungible Token) trên nền tảng blockchain của Kardiachain. Nghĩa là các tác phẩm từ thực tế sẽ được số hóa nhưng vẫn đảm bảo tính độc bản của bản kỹ thuật số tồn tại song song với độc bản ngoài đời thực.
Các độc bản kỹ thuật số này có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng VRhome, Oculus… giúp người dùng xây dựng được một bộ sưu tập kỹ thuật số/trí tuệ nhân tạo với chi phí tương đối thấp. Ngoài ra, vẫn đảm bảo được tính xác thực, minh bạch trong chuyển nhượng giữa các nhà sưu tập. Theo đó, giá trị của độc bản số sẽ tỷ lệ thuận với số lần chuyển nhượng.
Đại diện nhóm dự án “Cổng trời”, ông Phạm Toàn Thắng cho biết: Dự án “Cổng trời” với phương châm “Mở lối đi riêng, nâng tầm văn hóa Việt”, hy vọng sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán thông qua công nghệ và thị trường NFT. Tạo cơ hội để tác phẩm và nghệ sĩ Việt bước ra thế giới.
Đối tác dự kiến của “Cổng trời” gồm: Hội Mỹ thuật TPHCM; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (tên giao dịch tiếng Anh: Recording Industry Association of Vietnam, viết tắt RIAV) là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, phi chính phủ, phi lợi nhuận của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất băng đĩa ghi âm (bao gồm các sản phẩm ghi âm, ghi hình) ở Việt Nam; Viện IDECAF (Viện Trao đổi văn hóa với Pháp); các nhà sưu tập tư nhân, doanh nhân, các sàn giao dịch
NFT trên thế giới…
Kênh giới thiệu tác phẩm nghệ thuật
Thị trường NFT trên thế giới đã có bước tiến mạnh mẽ trong năm 2020. Từ một sáng kiến mới mẻ phát triển từ nền tảng blockchain vào tháng 10-2020, NFT liên tục lập kỷ lục về doanh số bán hàng toàn cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, bức tranh ghép kỹ thuật số “Everydays” của một nghệ sĩ người Mỹ được bán với mức giá kỷ lục 69,3 triệu USD tại một phiên đấu giá của hãng Christie’s (Anh). Hiện có 56 sàn giao dịch NFT trên thế giới, tuy nhiên, vẫn chưa có tại Việt Nam.
Có thể thấy NFT sẽ đáp ứng nhu cầu hiện tại và xu hướng trong tương lai của người dùng khi công nghệ ngày càng phát triển và có mặt khắp mọi nơi. Nhưng để nói có thể bảo vệ bản quyền tác giả trong nền tảng này vẫn còn là một điều trăn trở.
Từ góc độ của một họa sĩ tham gia vào dự án “Cổng trời”, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ: “Tôi nghĩ, đó là việc mua bán, sở hữu tác phẩm nghệ thuật trong thế giới số, nó chỉ có giá trị trên thế giới số, nó không ảnh hưởng nhiều lắm đến quyền lợi sở hữu hay giá trị của tác phẩm thật. Ưu thế lớn nhất của việc này là xác định bản quyền công khai, duy nhất, chuyển trao giao dịch quyền sở hữu dễ dàng và không thể hư hại hay mất đi”.
Từ trước đến nay, tính vật chất của một tác phẩm hay giá trị của tác phẩm thực, nhất là nghệ thuật đương đại, đã gặp nhiều thách thức. Ví dụ, có rất nhiều tranh hay tác phẩm sắp đặt, tác phẩm ý niệm, tác phẩm kỹ thuật số giá trị cao mà ai cũng có thể làm giả, copy lại đẹp hơn cả bản gốc, chỉ cần bạn có chút kỹ năng hội họa. Nhưng những tác phẩm làm lại sẽ không được công nhận vì người ta chỉ công nhận cái sáng tạo đầu tiên và vì những giá trị ý niệm từ tác phẩm gắn liền với tác giả đó. “Rốt cuộc, với một số tác phẩm đương đại, việc bảo đảm quyền sở hữu có lẽ còn quan trọng hơn việc sở hữu tác phẩm vật chất thật sự”, họa sĩ Lương Lưu Biên chia sẻ thêm.
NFT có thể nói là một kênh giới thiệu tác phẩm nghệ thuật rộng rãi hơn, nhưng không phải cho giới sưu tập truyền thống với những tác phẩm thật, mà chỉ là một kênh cho “công dân mạng” trên thế giới ảo, gồm những người trẻ của thế hệ công nghệ số. Họa sĩ Lương Lưu Biên cũng bày tỏ: “Về tác quyền, xưa nay dù có luật nhưng chưa có sự tôn trọng đúng mức, biết đâu những hoạt động mới này có thể phát sinh ra những mâu thuẫn về tác quyền mới và do vậy sẽ góp phần tác động đến sự hoàn thiện của luật, cũng như văn hóa tôn trọng bản quyền tác phẩm của chúng ta tốt hơn”.