Tổ tiên của ông vốn gốc người Phúc Kiến (Trung Quốc) qua lập nghiệp trên đất Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương ngày nay) từ giữa thế kỷ XIX, mang theo nghề làm gốm truyền thống danh tiếng. Từ bé, ông đã được nuôi dưỡng tình yêu với gốm sứ và sớm được thọ giáo nghề làm gốm với các nghệ nhân nổi tiếng nhất.
Từ năm 1970, ông đã cùng với bạn lập Công ty Gốm sứ Minh Long; sau đó 2 người tách ra làm riêng, ông lấy tên công ty là Minh Long 1 chuyên làm gốm gia dụng còn bạn làm gốm sứ công nghiệp. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, Minh Long 1 là một trong những công ty gốm sứ hàng đầu của tỉnh Bình Dương lẫn gốm sứ cả nước, chuyên sản xuất sản phẩm gốm sứ cao cấp cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm của công ty được Chính phủ sử dụng làm quà biếu tại các hội nghị ngoại giao lớn như hội nghị APEC, Hội nghị cấp cao ASEAN…
Cách đây hơn 10 năm, ông Lý Ngọc Minh bắt đầu ấp ủ ý định dựng Bảo tàng Gốm sứ Bình Dương và hiện đang hoàn thiện. Ông tâm sự: “Tôi đi các nước thấy người ta có các bảo tàng tái tạo làng nghề rất thích thú, sau khi về tôi suy nghĩ phải đầu tư làm được một cái bảo tàng về nghề gốm sứ Bình Dương cho khách tham quan”.
Bảo tàng gốm sứ của Công ty Minh Long 1 được xây dựng ngay trong khuôn viên của công ty ở thị xã Thuận An. Đầu tiên là bức tranh tường gốm sứ dài hàng chục mét, cao khoảng 4 mét ở bên trái, chính giữa (phía trước tòa nhà công ty) là 5 con rồng bằng sứ uy nghi nằm chầu, bên trong (dưới tầng hầm tòa nhà văn phòng công ty) là những bức tranh tường được thiết kế hoa văn tinh xảo cùng những bộ đèn chùm bằng sứ lộng lẫy tạo cho du khách cảm giác như đang lạc vào cung điện của các ông hoàng Ả Rập.
Nghề gốm là nghề sáng tạo nên trong bảo tàng gốm sứ, ông Minh mong muốn mang đến người xem những kỷ lục của sản phẩm gốm sứ Bình Dương chưa từng xuất hiện ở đâu. Và cũng là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ nên ông đã dồn hết tâm huyết để hoàn thiện dần từng công đoạn theo ý mình. Lãnh đạo UBND TP Thuận An cũng tỏ ra hào hứng với dự án này và hy vọng đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách trong hành trình khám phá mảnh đất có truyền thống lâu đời về gốm sứ và mến khách như Bình Dương.
Và trong kế hoạch phát triển du lịch của Bình Dương những năm tới, việc kết nối các tour du lịch đường sông từ TPHCM lên Củ Chi, Thuận An, Bến Cát cùng hệ thống các bến sông đầy đủ tiện nghi đang được địa phương xúc tiến xây dựng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm cho ngành du lịch vùng Đông Nam bộ.