Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên - Môi trường vừa phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ thành phố thực hiện một dự án về lập bản đồ địa chất, bản đồ địa chất thủy văn và bản đồ địa chất công trình TPHCM tỷ lệ 1/50.000.
Dự án đã thu thập được hơn 3.000 lỗ khoan địa chất công trình, 470 lỗ khoan địa chất thủy văn, 52 lỗ khoan địa chất. Tất cả các số liệu thu thập được đã được thống kê, phân tích theo các quy định mới nhất về lập bản đồ của Việt Nam, có tham khảo các nguyên tắc tiên tiến của quốc tế và được cập nhật trên bản đồ địa hình mới nhất của TPHCM.
Điểm đáng lưu ý nhất mà nghiên cứu này cho thấy là khu vực trung tâm của thành phố bao gồm quận 1, quận 3 và một phần của quận 10, quận 11 có đặc điểm địa chất hết sức phức tạp. Tiến sĩ Bùi Trần Vượng, Phó Tổng Giám đốc Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Nam cho biết, sự phức tạp ở đây thể hiện ở chỗ, từ độ sâu 6m đến gần 40m, tồn tại tầng chứa nước có áp với cát rất mịn. Do đó, khi thi công các tầng hầm, nếu nhà đầu tư không dựng tường vây hết lớp đất này sẽ rất dễ gặp tình huống cát hạt mịn bị trôi rửa, tạo hàm ếch, gây sụp đổ công trình lân cận trong quá trình tháo khô nước trong hố móng hoặc dưới áp lực tĩnh của tầng chứa nước.
Phần lớn diện tích phía Tây Bắc, Đông Bắc (phân bố ở các quận, huyện Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, một phần quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận)… có nền địa chất tốt, thuận tiện để xây dựng các công trình giao thông và cả các công trình nhà cửa cao tầng. Gần như toàn bộ khu vực phía Nam và Tây Nam (bao gồm quận 6, 7, quận 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè)… có nền đất rất yếu. Lớp đất yếu này có thể sâu đến 40m hoặc sâu hơn. Nếu muốn xây dựng các công trình lớn ở đây, các nhà thầu phải làm móng cọc xuyên hết lớp đất yếu và chống chân được lên lớp đất sét cứng nằm dưới lớp đất yếu này.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bùi Trần Vượng, đây mới là những kết quả mang tính chất tổng quát. Tùy từng vị trí xây dựng công trình, các nhà thầu phải tiến hành khảo sát cụ thể để đảm bảo an toàn cho công trình.
An Nhiên
TPHCM xây dựng bản đồ công trình ngầm Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM sẽ phối hợp nghiên cứu và lập bản đồ công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm hiện hữu cho thành phố. Mục tiêu của nghiên cứu này là cập nhật và thống nhất các thông tin về hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm của thành phố nhằm phục vụ cho việc thi công sửa chữa hoặc lắp đặt mới các công trình kỹ thuật của các sở, ngành, các nhà thầu và chủ đầu tư. Bản đồ sẽ được xây dựng theo không gian ba chiều trùng khớp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên, theo ông Đào Anh Kiệt, về lâu dài khi xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật mới nên đưa chúng vào các hào kỹ thuật để thuận tiện trong quản lý và sửa chữa. S.L. |